Đọc được trên blog của bác Phạm Ngôn (có thể nói là một blogger chuyên về CNTT khá nổi tiếng ở VN) nên lượm về đây cho mọi người cùng đọc chung. Anything trong bài viết này đều thuộc copyright của bác ấy.
Đây là link gốc đến bài viết: http://ngonpham.blogspot.com/2009/07/su-khac-biet-giua-cac-cong-ty-cntt-hai.html
Khoảng gần 3 năm trở lại đây, tôi có thêm một niềm đam mê trong lĩnh vực địa lý và lịch sử. Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi tôi vẫn thường lên Wikipedia để tìm đọc các tài liệu về vấn đề này, đôi lúc thấy vùng nào thú vị thì sắp xếp thời gian để đi tham quan tìm hiểu trực tiếp luôn. Từng bước tôi nhận thấy Việt Nam là một đất nước có rất nhiều khác biệt về địa lý lịch sử so với các quốc gia khác. Chính điều này đã tạo nên nhiều vùng miền khác nhau với những nét văn hóa rất đặc trưng, đặc biệt là hai vùng Nam Bắc. Sự khác biệt này không chỉ thể hiện ở các vấn đề thường ngày như cách suy nghĩ, giao tiếp, cư xử… mà còn lan rộng đến mọi ngóc ngách trong các lĩnh vực của xã hội ngày nay.
Lẽ dĩ nhiên, lĩnh vực CNTT cũng không ngoại lệ. Là một người làm về công nghệ sống trong Nam nhưng thỉnh thoảng cũng hay ra ngoài Bắc công tác nên tôi đã có cơ hội để tìm hiểu về những sự khác biệt thú vị trong lĩnh vực này.
1. Dáng vẻ bên ngoài
Các công ty phía Bắc dường như rất thận trọng trong việc thể hiện dáng vẻ bên ngoài, nên tôi có cảm giác hầu hết mọi công ty ngoài này đều rất “pro”. Do đó mỗi lần muốn gặp mặt, tôi đều phải thông qua người giới thiệu hoặc phải cố gắng làm một cái gì đó để thể hiện rằng ít ra mình cũng có một cái gì đó đủ để xứng tầm với họ. Sự thận trọng này không chỉ ở thể hiện ở bề ngoài mà còn ở trong cách ăn nói, nhiều lúc tôi phải rất cố gắng để hiểu ý tứ của mọi người sau mỗi câu nói là thế nào. Đây là kinh nghiệm do một sư huynh ngoài đó chỉ tôi “Ngoài Hà Nội này người ta nghe …chỉ để tham khảo, còn thực chất là phải hiểu đối phương đang muốn điều gì” ;))
Còn các công ty trong Nam thì nhìn phóng khoáng và bình dân hơn. Đôi lúc có một số đối tác tôi chủ động bắt chuyện, chỉ cần trao đổi một vài câu và thấy cách nói chuyện hợp nhau là đã có thể trở thành bạn bè, rồi rủ đi cafe tăng cường mối quan hệ. Ngoài ra, cách ăn nói của mọi người trong đây cũng khá thoải mái, đôi lúc gặp một số vấn đề khó xử mọi người cũng cố gắng để làm rõ mọi thứ, chứ không vòng vo như các đối tác phía Bắc :)
2. Chiến lược quản lý công ty
Do gần “lửa” hơn, nên các công ty phía Bắc hiểu rất rõ tầm quan trọng trong việc quan hệ ngoại giao và chính trị. Chính vì thế mà hầu hết đều dành rất nhiều nỗ lực cho các khâu liên quan đến vấn đề này như: quan hệ nhà nước, bán hàng, đầu tư…. Trong khi đó các công ty trong Nam sống trong môi trường thoải mái hơn nên đa phần đều có tư tưởng “Chỉ cần có ý tưởng tốt và thực lực mạnh, nhất định ta sẽ thành công”
Trong một cơ chế xã hội Việt Nam như hiện nay thì có thể dự đoán được phần nào là các công ty phía Bắc sẽ dễ thành công hơn, còn các công ty phía Nam sẽ gặp nhiều khó khăn với cách suy nghĩ của mình. Nhìn số lượng các công ty Internet được đầu tư mạo hiểm ở hai miền hiện nay có thể thấy được phần nào.
Tuy nhiên chính vì lý do này mà môi trường miền Nam sẽ rất thích hợp để các công ty gia công cho nước ngoài phát triển, ở lĩnh vực mà dựa phần lớn vào năng lực. Từ đó từng bước hình thành nên trong này một môi trường chuyên nghiệp trong cách làm cũng như quản lý. Chính vì vậy mà bản thân tôi nghĩ sau này đến một lúc nào đó Việt Nam có cơ hội tiến ra bên ngoài, thì các công ty trong Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn hẳn so với các công ty phía Bắc.
3. Các mối quan hệ liên minh
Thực ra vấn đề này tôi cũng chưa dám khẳng định hoàn toàn nên chỉ nhìn ở góc độ cá nhân bản thân.
Tôi cũng có quan hệ với khá nhiều các công ty phía Bắc. Nhưng thực sự tôi chỉ dám đẩy mạnh một số mối quan hệ nhất định, chỉ khi mình thực sự hiểu và thấy có nhiều nét tương đồng với đối phương. Nguyên nhân là từ vấn đề tôi đã nêu ở trên, các công ty phía Bắc rất thận trọng trong giao tiếp và ý tứ của họ đôi lúc cũng khó đoán, nên nếu tiến xa mà chẳng may có một số mâu thuẫn nảy sinh thì quan hệ sẽ dễ dàng bị vỡ và gần như rất khó để hàn gắn. Nếu vậy thôi thì ta cứ anh anh em em vui vẻ vài câu giữ gìn mối quan hệ ở mức vừa đủ là ổn ^_^
Còn các công ty trong Nam thì thường nói chuyện thoải mái hơn. Anh em nói đủ mọi thứ trời trăng mây nước, rồi quan hệ tiến xa được tới đâu hay tới đấy ;)). Đôi lúc dẫn đến những mâu thuẫn đụng chạm tưởng chừng không thể hàn gắn được, nhưng mấy tháng sau từ từ mọi người cũng quên rồi anh em mình lại …cafe nói chuyện tiếp. Nói chung chỉ cần làm sao các bên đều cảm thấy hài lòng về quyền lợi của mình là ổn.
4. Bonus: Con trai CNTT miền Nam vs Con trai CNTT miền Bắc ^)^
Thỉnh thoảng có cơ hội giao lưu với các anh chị em hai miền tôi cũng hay “buôn dưa” khảo sát về vấn đề này, sẵn tiện làm sinh động thêm buổi nói chuyện
Có lẽ khi một cô gái miền Nam lấy một anh IT miền Bắc thì sẽ rất khó để thích nghi. Với tính cách thận trọng và hơi gia trưởng, các anh sẽ cố gắng tìm cách “lập trình” để các cô gái miền Nam đã quen với lối sống tự do từng bước đi vào các khuôn khổ phép tắc trong một gia đình miền Bắc.
Ngược lại khi một cô gái miền Bắc lấy được một anh IT miền Nam thì sẽ thật tuyệt vời :D. Với bản tính xuề xòa phóng khoáng của các anh, các cô chỉ cần lập trình lại các hoạt động trong ngày thì các anh cứ thế như vậy mà theo, rất ít khi cằn nhằn phản kháng :)
Đoạn này em PR cho các anh em IT phía Nam tí xíu, các anh IT miền Bắc đọc được thì thông cảm bỏ qua, đừng đập em ạ ^_^
5. Tổng kết
Tổng kết lại thì các công ty mỗi miền đều có những điều thú vị riêng cũng như các điểm mạnh yếu khác nhau. Chính vì thế mà sẽ thật lý tưởng nếu có được những công ty VN có thể tận dụng được những lợi thế tốt nhất của mỗi vùng miền. Đó sẽ là những công ty có bộ sậu ở ngoài Bắc làm các quan hệ ngoại giao chính trị, chiến lược công ty… Còn bộ phận trong Nam sẽ làm công việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, khai thác sức mạnh của thị trường kinh tế lớn nhất nước, cũng như đảm nhận việc bành trướng ra bên ngoài sau này.
Đó cũng là mục tiêu mà một số công ty CNTT đang nỗ lực để đạt được. Với các công ty CNTT phía Bắc thì để trở thành số một VN, họ không chỉ phải chiếm lĩnh thị trường miền Bắc mà còn buộc phải “Nam tiến” để tạo được một thế đứng tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Còn ngược lại với các công ty trong Nam thì e dè hơn, họ ngại va chạm với một thế giới ngầm của những mối quan hệ đằng sau một thủ đô cổ kính. Nhưng để lớn mạnh, họ vẫn phải làm và từng bước tìm cho mình những nhân vật có thế lực để len vào mớ quan hệ bòng bong này.
Và cuộc đua này vẫn đang diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ, nhưng không kém phần quyết liệt. Theo suy nghĩ của tôi thì những công ty nào có thể khai thác được lợi thế tối ưu nhất của mỗi vùng miền sẽ có cơ hội lớn để trở thành những công ty tầm cỡ của Việt Nam cũng như đủ lực từng bước vươn ra cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn của nước ngoài trong vòng những năm sắp tới :)