Rời cơ sở bảo dưỡng trẻ em khuyết tật Thiện Duyên, chúng tôi tìm đến với bà Thái Thị Chước xuất phát từ 1 bài báo được đăng trên báo Tiếp Thị Gia Đình cách đây không lâu.
Đôi vai mong manh
Ở tuổi 82 bà Chước chỉ ước ” được khỏe để làm việc nhiều hơn, nuôi chồng và lắp hộp sọ cho con”.
Mấy chục năm nay, người dân ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ bán hàng rong buổi sáng. Đôi chân bà run run, đôi tay cũng run lên mỗi khi gói xôi, gói bánh cho khách. Bà tên Thái Thị Chước 82 tuổi.
Hơn 18 năm trời, gánh nặng gia đình đè trên vai bà
Can nhà của vợ chồng bà Chước dựng trên mảnh đất do xã cho mượn. Quanh năm, vợ chồng bà làm thuê, kiếm tiền nuôi hai con Lương Hữu Long và Lương Hữu Minh lớn khôn. Những năm tháng lao lực đã khiến chồng bà mắc bệnh phổi nay càng nặng hơn. Bà chạy vạy, vay mượn đủ mọi nơi chữa trị cho chồng nhưng rồi bao công cố gắng của bà cũng như muối bỏ biển. Chuyện cách đây 18 năm, nhưng bà vẫn nhớ như in nỗi đau khi biết bệnh của chồng không thể chữa khỏi, cũng không đủ sức làm gì. Từ đó đến nay, ông chỉ nằm một chỗ, mọi gánh nặng gia đình giờ dồn lên đôi vai người phụ nữ yếu đuối.
Gia cảnh khó khăn, người con trai thứ hai chán nhà bỏ đi. Anh Lương Hữu Long đã có gia đình riêng nên cũng không giúp được gì cho cha mẹ.
Bà Chước không đi làm thuê nữa. Bà bảo:” Làm thuê phải đi cả ngày, lấy ai chăm sóc cho ông nhà tôi. Ông ấy chỉ nằm một chỗ, không người chăm sóc, ông ấy mà có mệnh hệ gì, tôi ân hận suốt đời”.
Mỗi ngày, bà dậy từ sáng tinh mơ, đi lấy bánh ú, xôi chè về bán. Mỗi gói xôi lời được vài trăm đồng, bán hết cả ngày, mỗi ngày cũng chỉ bán được 30.000 đến 40.000 ngàn đồng. Có những ngày rong ruổi từ tinh mơ đến 2h chiều mà vẫn không hết hàng. Bụng đói, bà vẫn cố đi. Nếu bà dừng lại, tối về không có gạo nấu cho ông ăn. Bà ăn một gói xôi, chè ế nghĩa là tiền thuốc cho ông cũng giảm đi một đồng.
Bà kéo ống quần, để lộ đôi chân nhăn nheo đầy vết đồi mồi, kể: ” Bây giờ càng già, chân tay càng yếu. Một ngày tôi phải uống tới ba bữa thuốc mới có đủ sức đi làm”. Rồi người mẹ già bỗng ngậm ngùi:” Có hai đứa con, một đứa coi như không có, một đứa thì…” Nói rồi và nghẹn ngào. Bà chỉ người đàn ông chừng khoảng 50 tuổi đang ú ớ khi thấy khách đến nhà.
Chồng đau lại thêm con bệnh
Người đàn ông ấy là anh Lương Hữu Long, con trai cả của bà. Một nửa người bị liệt và nửa đầu trái không có họp sọ. Đó là hậu quả một tai nạn giao thông năm 2002.
Anh may mắn thoát khỏi cái chết nhưng phần họp sọ lấy ra chưa có tiền để lắp lại. Vợ anh mang theo hai con bỏ đi, anh mang tấm thân tật nguyền cùng một người con trai tên Lương Hữu Lanh về với mẹ. Con anh Long sau khi lập gia đình không có chỗ ở, bà Chước lại kéo cháu Trai, cháu dâu về gian nhà nhỏ của mình.
Vợ chồng người cháu chỉ có nghề làm mướn, ngày có việc, ngày không, không lo đủ miếng ăn cho mình cho nên ở tuổi 82 bà Chước vẫn là lao động chính trong nhà. Cháu dâu khỏe mạnh, nhanh tay nhanh mắt được giao cho nhiệm vụ chăm ông, chăm bố chồng và hai con.
Gánh hàng của bà nặng hơn, bà về nhà cũng muộn hơn. Tiền bán hàng của bà và tiền làm thuê của cháu trai cũng không đủ chi tiêu trong gia đình. Chiều bà lại phải đi bán thêm vé số.
Địa chỉ nhận sự giúp đỡ: Bà Thái Thị Chước, 13/4 ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành,tỉnh Tây Ninh.
Mong nhận được sự chia sẻ của mọi người.
Con đường đi gặp không ít trở ngại, số người biết đến bà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Manh mối duy nhất khi đến ấp Long Chí mà chúng tôi có là tấm hình bà chụp được cắt ra từ báo và cái tên của bà. Phải tìm và hỏi hơn 10 người mới có 1 người biết “bà già bán bánh ú, cơm rượu” vẫn đi ngang qua mõi buổi sáng.
Theo bà Chước cho biết, ngôi nhà này là của một gia đình đã mất và hiện không có ai ở. Chính quyền xã tạo điều kiện cho bà về đây sống để không phải thuê nhà nữa.
Bà Chước thành thật cho biết từ lúc bài viết được đăng, bà cũng được nhiều nhà hảo tâm đến tặng quà và thăm hỏi nên gia cảnh cũng khá hơn, tết này gia đình bà không phải lo gạo trên chạn, các chắt của bà đã có áo mặt. Chia tay bà, chúng tôi thầm cảm ơn những nhà hảo tâm đã đến với bà và không khỏi chạnh lòng khi nhìn bà cần lật đật đếm xấp tiền chúng tôi gửi đến bà để hỗ trợ thêm bữa cơm của bà. Chạnh lòng không phải chúng tôi cảm thấy chúng tôi đã trao lầm người mà chạnh lòng vì biết rằng bà đang rất cần số tiền ấy. Bà cần một số tiền để giải phóng bản thân khỏi công việc hiện tại và để làm ăn, để đảm bảo đời sống lâu dài sau này. Để khi bà mất, các con, các cháu, các chắt của bà sẽ có một cuộc sống ổn định hơn…