Vài ngày gần đây thông tin các dự án thương mại điện tử (TMĐT) của Project Lana liên tục đóng cửa và để lại lời nhắn có vẻ đau lòng “Ecommerce requires lots of money” khiến nhiều người quan tâm, chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội, anh Hiển cũng có một bài viết thống kê rất đáng chú ý ở đây. Dưới góc nhìn của mình tôi cũng xin phép chia sẻ vài ý kiến về Thương Mại Điện Tử với bạn đọc NhanWeb.
Phụ mục
Tôi đang đứng ở đâu
Trước tiên, xin khẳng định với bạn rằng tôi chưa từng làm cho bất kỳ công ty TMĐT nào có tiếng tăm hoặc đủ lớn để có thể được đem ra mổ xẻ như các website TMĐT mà bạn đã nghe, đã được đề cập trên báo chí. Những doanh nghiệp tôi từng làm việc phần lớn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này giúp tôi có thể hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn về việc làm TMĐT dưới góc nhìn doanh nghiệp – tôi không thể tìm thấy được toàn vẹn điều tôi muốn biết ở các doanh nghiệp lớn vốn chuyên môn hóa cao và bạn chỉ có thể được biết, được nghe những gì liên quan đến bộ phận bạn làm việc.
Xuất phát từ đó, bài viết này của tôi cũng không có ý định trình bày những điều to tát đang diễn ra ở thị trường TMĐT, không đưa ra lời khuyên nào cho các doanh nghiệp lớn làm TMĐT. Bài này tôi dành cho các bạn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cảm thấy hoang mang về “bức tranh sáng sủa” nhưng sao nhiều ông lớn chết quá vậy ???
Thế nhé !
Làm thương mại điện tử cần rất nhiều tiền
Tin nhắn để lại trên BeYeu.Com có thể khiến nhiều bạn cảm thấy hoang mang. Điều này tôi cho rằng cũng đúng, nhưng cũng sai. Với tôi, yếu tố quan trọng khiến cho bạn “cần nhiều tiền” hay “cần ít tiền” là cách làm của bạn.
Ảnh chụp màn hình website BeYeu.COMTôi nói thế này cho dễ hiểu, một anh nhà giàu muốn có ý định đi xuyên Việt, anh ta sẽ liên hệ với đơn vị đặt tour, hoặc nếu muốn đi kiểu phượt anh ta sẽ tìm hiểu những điểm vui chơi, những khách sạn phù hợp với túi tiền của anh ta, những niềm vui mà anh muốn trải nghiệm. Kết quả: tốn nhiều tiền.
Cũng với mục đích đi xuyên Việt, một bạn trẻ kinh tế không dư giả có thể đi được bằng cách đi nhờ xe, làm việc tại những nơi anh ghé qua để kiếm thêm chi phí đi đường, anh sẵn sàng ăn bờ, ngủ bụi để giảm thiểu chi phí. Cá biệt có nhiều bạn trẻ còn quyết định đi bộ xuyên Việt, ăn nhờ ở đậu những người tốt bụng để giảm thiểu chi phí đi đường. Kết quả: ít tốn kém hơn rất nhiều lần.
Thế đấy !
Bạn có thể thấy cách làm quyết định như thế nào đến chi phí mặc dù kết quả mà cả 2 mong muốn đạt được là như nhau.
Đối với các doanh nghiệp dư giả về tài chính, được sự hậu thuẫn của một quỹ đầu tư nào đó, họ không quan tâm đến dòng tiền trước mắt mà quan tâm nhiều đến hiệu quả đạt được sau 3 năm, sau 5 năm hay thậm chí là chục năm nữa. Đau đầu ở chỗ, cái tương lai ấy xa vời và mang nhiều yếu tố khách quan như sự thay đổi của thị trường, thói quen người dùng hay các chính sách có tác động đến thị trường…
Thế nên, khi bạn bị hụt hơi tài chính trong cuộc đua đường dài đó bạn sẽ gục ngã mà không đạt được kết quả gì khả quan.
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều họ quan tâm là dòng tiền luân chuyển như thế nào, làm thế nào để có tiền trả lương nhân viên vào cuối tháng mới là điều họ quan tâm. Thế nên họ không quan tâm đến cái tầm nhìn 10 năm, tầm nhìn 5 năm nhiều mà thay vào đó là làm thế nào để tối ưu hóa lợi nhuận tốt nhất ở từng thời điểm.
TMĐT có những lợi thế rất lớn mà ai cũng nhìn thấy nhưng không phải ai cũng biết cách tận dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm.
Mặc cho những doanh nghiệp làm TMĐT lớn thay nhau ngã ngựa, những người buôn bán qua mạng, những doanh nghiệp nhỏ vẫn sống ổn với TMĐT vẫn sống ổn và tiếp tục phát triển ở một mức đô nhất định nào đó.
Thế nên, quan trọng là biết cách.
Bạn làm thương mại hay làm điện tử ?
Quay lại căn nguyên của vấn đề, các ông lớn phần lớn luôn cho rằng mình làm thương mại nhưng đa số đều chỉ làm khâu điện tử là chính. Bao gồm: bán lỗ (hoặc không đủ bù chi phí) để gây dựng thương hiệu, tập trung marketing để phát triển người dùng, thâu tóm thị trường, bắt tay xây dựng mô hình với số lượng nhân viên và tài nguyên vô cùng lớn….
Điểm thuận lợi ở thời gian này là không bị áp lực tài chính nên rảnh tay làm được nhiều cái hay, cái tốt. Nhưng nó cũng khiến cho doanh nghiệp chủ quan và quên mất chuyện cân đối tài chính, tối ưu hệ thống để giảm chi phí không cần thiết.
Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều quan trọng đối với họ là làm thương mại đã, nuôi cái bụng trước đã – nên họ làm thương mại trước đã.
Tôi cũng đồng quan điểm với các bạn “cò con” trong TMĐT đó là làm thương mại trước sau đó mới làm điện tử. Có thực mới vực được đạo và hãy xem Điện tử như một công cụ khi làm Thương mại, đừng có suy nghĩ ngược lại.
Kết luận
– Quan điểm về Thương mại điện tử quyết định cách làm của bạn.
– Túi tiền của bạn, mục tiêu làm thương mại điện tử của bạn sẽ quyết định hình thức làm phù hợp với bạn.
Không có một công thức chung cho kinh doanh, đặc biệt là thương mại điện tử nên không có một giới hạn, một số lượng tiền cần thiết để đưa vào công thức thành công. Thế nên nhiều tiền cũng được, ít tiền cũng được, quan trọng là cách bạn sử dụng đồng tiền đó có hiệu quả không.
Bức tranh TMĐT không u ám, cũng không sáng sủa.
Thành công hay thất bại đều có thể xảy ra đối với người làm thương mại điện tử dù ít tiền hay nhiều tiền.
Tuy nhiên, theo tôi thấy thì kẻ nhà giàu thường thất bại nhiều hơn là người đi lên từ 2 bàn tay trắng.