Mong muốn được có website riêng trong sự eo hẹp của kinh phí mà quan trọng nhất là nhiều bạn chưa dám mạnh dạn đầu tư đã đẩy nhiều webmaster đi đến con đường “xin tài trợ domain, hosting….“. Vài dòng chia sẻ gửi đến các webmaster như vậy.
Trong phạm vi của bài viết, mình không dám lạm bàn quá nhiều vấn đề, chỉ xin được chia sẻ đôi lời với webmaster về vấn đề domain và nên hay không nên sử dụng một domain miễn phí hoặc được tài trợ.
Phụ mục
Bạn được/mất gì khi sử dụng free domain
Một trong những tên miền miễn phí được webmaster tin dùng là co.cc . Tôi cũng khuyên bạn nến có sử dngj free domain thì domain tenbanchon.co.cc cũng không phải là một lựa chọn tồi. Có nhiều nguyên nhân khiến một webmaster quyết định sử dụng free domain: tính chất “lạ” của domain, do không muốn ẩn danh… trong đó nguyên nhân thường thấy nhất là do tình hình tài chính không cho phép hoặc muốn thành lập một website nhưng chưa có ý định đầu tư nghiêm túc cho nó. Về vấn đề này xin không bàn đến.
Ở đời không có gì cho không, biếu không ! Cho nên khi đã lựa chọn sử dụng free domain nghĩa là bạn phải chịu sự giới hạn nhất định của nó:
Bạn phải chấp nhận popup hoặc script quảng cáo.
Điều này là không thể tránh khỏi vì các dịch vụ free domain cũng cần phải có kinh phí để duy trì hoạt động. Các dạng quảng cáo thường thấy ở các dịch vụ free domain là popup hoặc chèn frame. Đồng ý là có rất nhiều thủ thuật giúp bạn loại bỏ quảng cáo của các nhà cung cấp dịch vụ này nhưng tốt nhất mình nghĩ các bạn không nên loại quảng cáo đi nếu muốn domain của mình sống lâu, sống bền.
Các free domain thường không có hệ thống quản trị domain riêng
Ngoại trừ một số nhà cung cấp dịch vụ xây dựng Control Panel riêng cho domain (số lượng rất hiếm), còn lại domain của bạn thường không có hệ thống quản trị riêng cho phép thực hiện nhiều thao tác như thay đổi DNS record, thay đổi thông tin quản lý… Do đó các chức năng liên quan đến email coi như vứt xó. Ngoài ra, do tính chất của dịch vụ, nhiều nhà cung cấp free domain còn chỉ chấp nhận free domain của bạn phải sử dụng hosting của họ. Nghĩa là bạn không thể tự tiện thay đổi DNS của domain đi một dịch vụ khác. Nếu có đi nữa thì cũng chỉ là forward mà thôi (phần lớn các free domain thường chỉ là forward).
Bạn sẽ không biết khi nào domain của mình được khai tử
Dĩ nhiên đã lựa chọn free domain nghĩa là cuộc sống của domain gắn liền với nhà cung cấp dịch vụ. Một khi nhà cung cấp dịch vụ không còn khả năng tài chính để sống sót hoặc ngừng cung cấp dịch vụ này đồng nghĩa với việc domain của bạn cũng sẽ … ra đi không bao giờ trở lại :). Bạn hãy thử hình dung, một website bạn đã tốn nhiều tâm huyết cho nó và nhận được một lượt truy cập nhất định đáng để bạn tự hào; một ngày nào đó người dùng gõ tên miền của bạn và … Vấn đề này là vấn đề không nhỏ đối với các webmaster bởi có rất, rất nhiều webmaster lọt vào trường hợp này.
Những vấn đề đối với domain được tài trợ
Một giải pháp mà giới webmaster cũng thường lựa chọn đó là tranh thủ vào các mối quan hệ hoặc lượng truy cập ổn định của mình để tìm kiếm tài trợ (ở đây đang nói về domain) từ các doanh nghiệp hoặc bạn bè, nhà cung cấp. Tôi cũng có quen một số người như vậy nhưng không tiện nêu tên; chỉ biết rằng là có :).
Giải pháp này cũng giúp ích cho bạn vì bạn sẽ không tốn tiền bạc để duy trì domain và yên tâm rằng domain của bạn cũng được mua đàng hoàng (không phải sử dụng CC chùa) và có toàn bộ các công cụ quản trị cần thiết. Điểm bất lợi lớn nhất của hình thức này là domain không nằm trong tay bạn mà lại nằm trong tay của người tài trợ.
Nếu mối quan hệ về lợi ích của nhà tài trợ và bạn là tương đối tốt đẹp thì mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói. Tuy nhiên, một khi có vấn đề nào đó liên quan đến quyền lợi và tranh chấp cá nhân xảy ra, hoặc nhà tài trợ nổi lòng tham muốn chiếm đoạt công sức của bạn đã gầy dựng nên website thì bạn cũng chỉ có nước kêu trời. Do đó, khi quyết định để một nhà hảo tâm nào đó tài trợ domain cho hoạt động của website, bạn nên cân nhắc đến quyền lợi của cả 2 bên và nên làm hợp đồng tài trợ trên giấy trắng mực đen ghi rõ quyền lợi của 2 bên và cách thức giải quyết tranh chấp khi xảy ra để hạn chế rủi ro.
Tất nhiên cũng giống như free domain, domain được tài trợ cũng chịu một số giới hạn liên quan đến quyền lợi của nhà tài trợ như đặt banner quảng cáo, popup, textlink… cho nhà tài trợ :)
Nên hay không nên đầu tư một khoản tiền cho domain ?
Tôi nghĩ là nên ! Giá domain hiện nay tương đối rẻ. Nếu bạn mua trực tiếp từ một nhà cung cấp domain ở VN thì giá domain thường chỉ nằm trong khung 10$ có xê dịch tí xíu tùy theo nhà cung cấp (đối với domain quốc tế). Số tiền này nếu tính ra VND thì cũng chưa đến 200k cho một năm hoạt động – không phải là một số tiền quá lớn. Bạn có thể nhịn ăn sáng trong vòng 1 tháng là có thể mua được rồi =P~
Khi chấp nhận việc đầu tư này, tôi nghĩ bạn sẽ có thể tránh được một số phiền toái không đáng có như việc thông tin cá nhân luôn là của bạn, hợp đồng cung cấp rõ ràng giúp bạn tránh được phần nào rủi ro khi tranh chấp, không chịu sự ràng buộc như đối với domain được tài trợ, không có quảng cáo như free domain….
Vài dòng kết lại
Nhiều bạn nghĩ rằng có thể sử dụng free hoặc nhờ tài trợ từ ai đó một thời gian sau đó khi site đã có những bước phát triển nhất định hãy đầu tư domain. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng bạn nên đầu tư domain ngay từ đầu nhằm cố định thương hiệu và giúp người dùng nhanh chóng và dễ dàng hơn khi truy cập. Trong trường hợp khả năng tài chính của bạn không cho phép, hoặc không muốn đầu tư cho domain (ặc ặc), bạn cứ sử dụng free domain trước đã =)) . Điều đó cũng tốt thôi, chẳng sao cả ! Tuy nhiên, đầu tư cho website là việc cần làm và đầu tư cho domain là việc đầu tiên phải làm.
Chúc các bạn một tuần mới thành công :)
Hiệp says
domain là cái thương hiệu của website nên hãy chấp nhận đầu tư để tránh những tình trạng die domain như mình đã từng gặp phải.