NHANWEB

Vừa bán hàng, vừa dọa khách

Bài này lượm trên VNExpress, thấy hay nên đăng lại :D

Không mua thì xéo, hàng bà toàn đồ tươi ngon, mới sáng ra đã gặp con dở người. Thật tức chết đi được“, bà chủ hàng thịt chợ Phùng Khoang, Hà Nội vừa mắng và cầm dao chém vía người phụ nữ đi chiếc xe đạp cũ.

Những người buôn bán ở khu chợ này đều biết tính người đàn bà ngoại ngũ tuần bán hàng thịt. Bà chủ hàng nổi tiếng chanh chua từng ném cả bộ lòng gà vào mặt người mua hàng khi cô này kì kèo muốn bà bán rẻ cho 5.000 đồng.

Thuận mua vừa bán, nhưng nhiều chủ hàng không thích khách mặc cả vào đầu giờ sáng

Chị Hồng ở Thanh Xuân – người đã hơn một lần chứng kiến cảnh bà chủ hàng thịt mắng sa sả khách hàng, nhận xét: “Thật kinh khủng, tôi không đủ can đảm vào đây mua hàng”. Mỗi lần đi chợ, chị đều cố gắng đi đường vòng để tránh giáp mặt bà bán hàng thịt.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Tính tôi hay mặc cả, nhỡ đâu vô ý buột miệng, bà ta mắng cho thì dại mặt”, chị Hồng nói. Chị cho biết hầu hết những người bị bà hàng thịt chợ Phùng Khoang mắng đều ở trạng thái “đứng như trời trồng” vì không biết phản ứng như thế nào. “Nói tục, chửi bậy đâu phải ai cũng quen và làm được. Còn nếu cãi tay đôi có khi còn bị đánh, nên ai gặp tình cảnh đó cũng chỉ biết cúi mặt và lủi thật nhanh”, chị nói thêm.

Chị Quỳnh ở Đống Đa còn nhớ như in buổi tối thứ 7 cách đây 2 tháng. Chị và cô bạn gái đi ăn ở một nhà hàng trên đường Phan Đình Phùng. Đang dắt xe trên vỉa hè thì bị một xô nước dội từ tầng 3 xuống. “Hai đứa chúng tôi ướt như chuột lột. Từ đầu tóc đến quần áo chân tay đều bám đầy rác rưởi từ xô nước lau nhà”, chị Quỳnh kể.

Bực mình chị xông vào quán quyết làm cho ra nhẽ ai là thủ phạm của xô nước lau nhà trên. Đáp lại sự bực dọc của chị, nhân viên nhà hàng chỉ toét miệng cười nói rằng chuyện đó là bình thường. Người này còn khẳng định quản lý nhà hàng đi vắng, do vậy, chị bức xúc cũng chẳng giải quyết được gì. “Từ đó tôi cạch mặt, không bao giờ tới quán ăn này nữa. Khổ nhất là cô bạn gái người Sài Gòn, lần đầu tiên ra Hà Nội được tôi dẫn đi ăn”, chị Quỳnh nói.

Điều khiến chị Quỳnh bức xúc nhất là khi vào nhà hàng, nhân viên đon đả đến mức chị Quỳnh và người bạn gần như bị kéo cả xe lẫn người cho đến khi phải vào nhà hàng mới thôi. Khi tạm biệt, họ dội một xô nước từ trên cao vào người khách hàng mà không được một lời xin lỗi. “Đành rằng họ không cố ý nhưng nhà hàng cũng phải biết dạy nhân viên cách xin lỗi chứ. Kiểu bán hàng như vậy thật khiến người ta phát hoảng”, chị Quỳnh nói thêm.

Tại cửa hàng quần áo trên đường Kim Liên mới, Hà Nội chiều 18/7, hai phụ nữ loay hoay chọn đồ rồi ướm thử. Chẳng bận tâm đến khách, hai ngân viên nằm vắt chân lên ghế nghe nhạc rồi cười ngặt nghẽo. Tiếng nhạc to đến mức, hai chị khách phải nói thật to nhân viên mới nghe tiếng. Khi khách hỏi giá chiếc váy màu hồng, cô nhân viên buông thõng một câu: “Giá ghi trên cổ áo ấy, chị không nhìn thấy à, thật phiền quá”. Chị khách bực mình ném trả chiếc váy rồi quay ra cửa toan bước đi.

Thay vì xin lỗi khách, cô nhân viên khác dấm dẳng: “Cả sáng vắng khách, giờ lại gặp con mẹ dở hơi”. Chị khách cũng không vừa quay lại giang thẳng cánh tay tát vào mặt cô nhân viên cảnh cáo. Kết quả là, thương vụ mua bán thất bại. Cả người bán lẫn người mua đều cảm thấy mệt mỏi vì phải đôi co những chuyện không đáng có.

Anh Dương làm tại văn phòng luật sư tại TP HCM than thở chuyện đi ăn phở ở Hà Nội. Sau khi ngồi chờ 15 phút chưa thấy phở bưng ra, anh thắc mắc thì được nhân viên trả lời cụt lủn: “Chờ tẹo, quán đông khách”. 10 phút sau, nhân viên mới bê tô phở ra. Chẳng nói chẳng rằng, cô nhân viên đặt uỵch bát phở xuống bàn rồi quay đi. “Không chanh, không ớt, không dấm, tôi gọi với nhân viên hỏi chỉ nhận được một câu vọng ra từ trong bếp ‘đợi chút'”, anh Dương nói.

Lần này, anh tự đứng lên đi lấy đồ ăn vì không thể chờ thêm 10 phút nữa mới có đủ gia vị. Rồi, đến khâu thanh toán tiền, anh Dương lại chuốc thêm bực mình nữa. Bát phở của anh giá 25.000 đồng, không có tiền lẻ, anh rút ra tờ 500.000 đồng. Vừa trả tiền thừa, chủ quán vừa lẩm bẩm: “Lần sau nói trước, không có tiền lẻ thì đừng tới đây ăn”. Anh Dương ngớ người, tức nghẹn lên cổ nhưng không biết phản ứng thế nào.

“Ăn được một bát phở bổ béo đâu chưa thấy mà chỉ biết mua được cả đống cái bực mình. Đúng là không phải lúc nào khách hàng cũng là thượng đế”, anh nhận xét. Giống như tâm lý của đông đảo người tiêu dùng khác, sau khi rời khỏi quán phở, anh Dương cũng tự thề với mình là sẽ không bao giờ quay lại đây nữa.

Nhiều của cửa hàng, đại lý cho biết họ luôn yêu cầu nhân viên bán hàng có thái độ thân thiện cởi mở với người mua. Nhưng không phải lúc nào, phương châm “Khách hàng là thượng đế” cũng được nhân viên thực hiện một cách đầy đủ.

Ở góc độ khác, anh Quang, chủ một quán phở đường Thái Thịnh, Hà Nội cho rằng không phải khách hàng nào đi mua hàng cũng lịch sự và tôn trọng người bán. Một số khách vào quán tỏ thái độ hách dịch như chê quán bẩn, chỗ ngồi nhếch nhác, đồ ăn không ngon. Cách nói của khách không mang tính chất góp ý khiến nhà hàng tốt lên mà thể hiện sự thiếu tôn trọng, miệt thị và khiến người bán nổi cáu. Chưa hết, có khách yêu cầu nhân viên mang cái này, bê cái kia, thậm chí là quăng cả đũa xuống nền nhà khi đồ ăn không vừa ý.

“Tất nhiên, người bán phải có trách nhiệm phục vụ người mua. Nhưng đôi khi người mua cũng quá lạm dụng quyền thượng đế nên hai bên rất khó tìm được tiếng nói chung”, anh Quang nói.

Giám đốc một hãng viễn thông ở Hà Nội cho rằng trong một nghìn nhân viên làm việc tại công ty được đào tạo trong một môi trường như nhau không phải ai cũng có thái độ và cách cư xử giống nhau. Trong khi người bán luôn bị đòi hỏi phải cư xử đúng mực thì không phải lúc nào người mua cũng có thái độ đúng mực. Có khách mỗi tháng chỉ sử dụng hết 50.000 tiền cước nhưng lại hạch sách đủ kiểu và suốt ngày kiện cáo chuyện sóng chỗ này yếu, chỗ kia 3G chưa đảm bảo chất lượng…

“Nhưng nhìn chung chúng tôi quan niệm rằng, khách hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm và họ phải được hưởng dịch vụ một cách tốt nhất”, vị giám đốc này nói.

Phan Linh Anh – VNExpress.NET

Exit mobile version