NHANWEB

Truyền thông mạng kiểu “của nhà trồng được” của Trung Quốc

Gần đây, cư dân mạng Trung Quốc gần như phát cuồng với một trang web chia sẻ mới có tên Weibo. Từ các ngôi sao màn bạc hàng đầu đến dân cư các đô thị lớn, ai cũng sở hữu một tài khoản Weibo. Thậm chí, từ “Weibo” còn được nhắc liên tục trong các talkshow truyền hình.

Thiên đường hàng nhái

Hỏi bất kỳ ai trong số những người đang theo “làn sóng mới Weibo” (slogan của trang mạng này), Weibo là gì, câu trả lời hiển nhiên sẽ là: Twitter của Trung Quốc. Không chỉ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Trung Quốc còn là thiên đường của “hàng nhái Internet”.

Tôi hỏi cô bạn Trung Quốc Jun Jun, một cư dân mạng trẻ tuổi: Tại sao các bạn không dùng Twitter mà nhất định phải dùng “của nhà trồng được”? Ngay lập tức tôi nhận được câu trả lời: Vì ở Trung Quốc, vào Twitter rất khó khăn.

Jun Jun cho biết cô xem thông tin về thế giới thông qua các trang mạng. Đó là cách để cô và các bạn không bị lạc hậu với thông tin từ thế giới bên ngoài. Cô nói, chỉ tiếc một điều là Weibo không thể kết nối với bạn bè từ các quốc gia khác, mà chỉ gói gọn trong cộng đồng nói tiếng Trung.

Nhưng có vẻ các công ty cung cấp dịch vụ giao tiếp trên mạng của Trung Quốc lại muốn truyền đi một thông điệp khác: Sao chúng tôi phải cần thế giới khi chúng tôi có thể giao tiếp với hơn 1 tỷ người?

Năm 2010, Google tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc đại lục do một số bất đồng với chính quyền. Nhưng với người dùng Internet ở Trung Quốc, Google đi hay ở không phải là vấn đề quá quan trọng, vì từ lâu, họ đã có Baidu, một công cụ tìm kiếm mạnh có thị phần còn vượt cả Google.

Không chỉ riêng Google, không ít “đại gia” Internet như Youtube, Facebook, Twitter đều phải ngậm ngùi đầu hàng trước bức “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc. Và đương nhiên, thị trường này nhường lại cho các “hàng nhái” như Youku, Renren, Weibo… tung hoành.

Giao diện tiểu blog Weibo

Nhìn ra thế giới bằng gì?

Trung Quốc đang khoe với thế giới rằng, họ không chỉ mạnh về kinh tế, quân sự mà còn cả về lĩnh vực thông tin truyền thông. Nhưng e rằng người dân Trung Quốc “được” nhìn thế giới bên ngoài chủ yếu qua con mắt của truyền thông nhà nước.

Các thông tin về thế giới được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước phần lớn do Tân Hoa Xã và CCTV cung cấp – đây là hai cơ quan truyền thông hàng đầu của quốc gia này. Thông tin biên dịch ít được sử dụng trên báo chí chính thống tại Trung Quốc.
Tháng 7/2010, Tân Hoa Xã – Hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc – cũng bắt đầu phát sóng kênh CNC World 24/24 bằng tiếng Anh, nội dung chính là các tin tức thời sự về tình hình Trung Quốc.

Trên các kênh truyền thông chính thống, thậm chí trên các mạng xã hội của Trung Quốc, sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất chính là các chương trình giải trí vô thưởng vô phạt. Những sản phẩm này được người dân Trung Quốc, nhất là giới trẻ, rất ưa chuộng.

Còn với thế giới bên ngoài, có vẻ Trung Quốc đang hy vọng thế giới sẽ nhìn họ theo cách họ muốn.

Trên mạng Internet, nhiều cụm từ “nhạy cảm”, chẳng hạn gần đây là từ “hoa nhài” (bao gồm “trà nhài”, một thức uống phổ biến ở Trung Quốc), đều bị cấm trên các trang web tìm kiếm. Việc tìm kiếm các từ khóa này từ các máy tính ở Trung Quốc sẽ không cho kết quả hoặc báo lỗi. Thậm chí, những cụm từ này còn không được chấp nhận dù chỉ dưới dạng một dòng trạng thái trên các trang chia sẻ như Weibo, Renren…, bất kể bằng tiếng Trung hay tiếng Anh.

Trong các vụ xâm phạm chủ quyền Việt Nam gần đây, truyền thông Trung Quốc cũng thực hiện một chiến dịch khiến thế giới hiểu lầm khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp. Với những vụ việc liên quan đến quyền lợi của Trung Quốc như thế, người dân Trung Quốc hoàn toàn không được tiếp cận với thông tin đa chiều nếu chỉ thông qua truyền thông nhà nước.

Nhiều trí thức Việt Nam muốn cung cấp thông tin chính xác đến người dân Trung Quốc, nhưng nguyện vọng này xem chừng cũng khó khả thi, bởi người dân Trung Quốc không dùng Facebook, Twitter, không có Youtube, hay bất cứ mạng xã hội hay trang web chia sẻ nào mà phần còn lại của thế giới đang dùng.

Vậy có thật là công chúng Trung Quốc không cần đến thế giới bên ngoài, khi cộng đồng người Hoa đã chiếm đến hơn 1/4 dân số thế giới?

“Chúng tôi vẫn muốn vào Facebook, Twitter hơn, nếu không phiền phức như hiện nay”, ít nhất là cô bạn blogger Jun Jun của tôi nói như vậy.

Nguồn: Vietnamnet

Exit mobile version