NHANWEB

Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cho website thương mại điện tử

Một số mặt hàng của Adayroi được phục vụ hạn chế theo khu vựcMột số mặt hàng của Adayroi được phục vụ hạn chế theo khu vực

Một số mặt hàng của Adayroi được phục vụ hạn chế theo khu vực

Nhiều người thuê các đơn vị thiết kế website thiết kế web thương mại điện tử cho mình một cách tùy hứng và theo sở thích cá nhân. Ngay cả đơn vị thiết kế web (mà đa phần là không có kinh nghiệm làm thương mại điện tử) cũng sẽ gặp không ít vấn đề liên quan đến trải nghiệm người dùng. Trước hết, website Thương mại điện tử (TMĐT) là website mà một loại web dịch vụ mà người dùng có thể mua hàng trên đó – do đó, khả năng sử dụng của người dùng là vấn đề rất nghiêm túc mà bạn cần phải quan tâm.

Thiết kế một trang web bán hàng đòi hỏi nhiều kĩ năng, sự am hiểu về hành vi của người dùng hơn so với các website thông thường, bạn cần biết mục đích sử dụng của người dùng và làm thế nào để người dùng của bạn đạt được mục đích đó một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.

Dưới đây là một vài lưu ý liên quan đến trải nghiệm người dùng mà bạn nên cân nhắc khi thiết kế trang web Thương mại điện tử.

Tên sản phẩm

Tên sản phẩm luôn luôn là cái nhìn đầu tiên và để lại ấn tượng, là thông tin đầu tiên được người dùng ghi nhớ về sản phẩm mà họ quan tâm. Một định dạng chuẩn cho tên sản phẩm sẽ bao gồm: tên thương hiệu,model, loại sản phẩm và các thông tin khác mà nó có thể khác. Ngoài ra không nên có gì khác.

Tối ưu hóa tên sản phẩm – nguồn: Lazada

Bạn cũng cần lưu ý rằng nếu người dùng muốn tìm kiếm một sản phẩm nào đó, họ sẽ nhập thông tin vào hộp tìm kiếm trên website bạn hoặc trên công cụ tìm kiếm. Do đó, những đặc tính về chủng loại sản phẩm (ví dụ áo khoác, găng tay…) cũng cần được thể hiện trên tên sản phẩm. Hãy cố gắng đặt tên sản phẩm một cách ngắn gọn và xúc tích.

Hình ảnh sản phẩm

Hãy đặt nó lên phía trên,ngay bên cạnh tên sản phẩm bởi nó là cái nhìn tiếp theo sau tên sản phẩm và giúp người dùng hình dung được sản phẩm mà họ sẽ nhận được khi mua hàng. Hãy xử lý hình ảnh để có được một hình ảnh sản phẩm với chất lượng cao nhất mà bạn có thể có được. Nếu nền sản phẩm(background) là một màu trung lập, bạn thậm chí còn nhận được kết quả tốt hơn. Điểm bất lợi của mua hàng trên nền tảng TMĐT là bạn không thể nhìn thấy trực tiếp sản phẩm, do đó hãy cung cấp cho khách hàng cái nhìn cận cảnh, chi tiết về sản phẩm để khách hàng có thể tưởng tượng được sản phẩm trông như thế nào khi họ nhận được – đây là một ý tưởng không hề tệ tí nào.

Càng chi tiết, khách hàng càng … phê – nguồn: Ebay

Ở đây, chi tiết về sản phẩm càng rõ nét càng tốt. Bạn không nên lạm dụng việc chỉnh sửa hình ảnh khiến cho sản phẩm khác xa thực tế quá nhiều. Khi tôi mua hàng, tôi thích nhận được đúng sản phẩm mà tôi đã từng thấy trên web chứ không phải một hình ảnh đẹp lung linh nhưng lại đem cho tôi sự hoài nghi.

Thư viện ảnh

Bạn nên có một thư viện ảnh chụp các góc cạnh, các mặt của sản phẩm, các phụ kiện đi kèm (nếu có). Một ảnh cho một sản phẩm hiện nay là không đủ để khách hàng có thể hình dung được sản phẩm mà họ sẽ nhận được. Ảnh chụp ở nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp khách hàng hình dung sản phẩm một cách chính xác hơn và toàn diện hơn.

Những góc độ khác nhau giúp khách hàng hình dung sản phẩm tốt hơn – Nguồn: Zalora

Đừng ngại đầu tư vào hình ảnh cho sản phẩm, khách hàng thường thích xem hình ảnh hơn là đọc những đoạn text khô khan. Một khi bạn đặt nỗ lực của mình vào hình ảnh, bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng.

Đặc tính sản phẩm

Phần thông tin này cũng khá quan trọng vì nó bao gồm các thông tin chuyên sâu về sản phẩm như chất liệu, hình dáng, kích cỡ…

Có nhiều cách để bạn thể hiện phần thông tin này như bạn có thể viết một hoặc hai đoạn mô tả về sản phẩm để mô tả các đặc tính, các chi tiết về kích thước, màu sắc, chủng loại….Nhưng theo tôi, bạn nên sử dụng một bảng tiêu chuẩn về các số liệu sẽ cho một kết quả tốt hơn.

Chi tiết về sản phẩm – Nguồn: Zalora Chi tiết về kích cỡ sản phẩm – Nguồn: Zalora

Giá

Giá là một chi tiết cực kì quan trọng khi mua hàng vì khách hàng sẽ cần biết họ sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để có thể sở hữu sản phẩm mà họ yêu thích. Do đó, giá cần phải to, rõ, đủ đậm, dễ nhìn thấy, đặt gần tên sản phẩm và hình ảnh.

Giá cần rõ ràng, dễ nhìn thấy và bên cạnh tên, hình ảnh sản phẩm – Nguồn: SieuThiTaiGia

Đối với các website xuyên biên giới, bạn cần cung cấp cho khách hàng các tùy chọn hiển thị giá tiền khác nhau cũng như một lựa chọn tính toán các chi phí phát sinh như thuế, chi phí vận chuyển đến quốc gia của người dùng, chi phí xủ lý… Nếu có một chương trình giảm giá, các khuyến mãi bạn cần phải hiển thị nó ra để kích thích quyết định mua hàng của người dùng.

Nút mua hàng

Tất nhiên, nút này cực kì quan trọng khi khách hàng của bạn ra quyết định mua hàng hay chí ít là để đặt nó vào giỏ hàng. Nút này cần được rõ ràng và nổi bật, dễ phân biệt với các yếu tố khác trên trang web. Bạn cũng cần phải chắc chắn rằng nút này làm đúng chức năng mà bạn mong nó làm được. Nhiều trường hợp nút mua hàng chỉ để … làm cảnh và gây sự bực bội cho khách hàng.

Nút mua hàng cần rõ ràng và dễ nhận thấy – Nguồn: Ebay

Đối với các phiên bản trên thiết bị di động, tôi khuyến khích bạn thay việc sử dụng nút Mua hàng bằng một phương pháp khác như nút Mua nhanh chẳng hạn: khách hàng chỉ cần nhập số điện thoại, mọi việc còn lại bạn có thể liên lạc với khách hàng để bổ sung vì việc nhập liệu trên thiết bị di động cũng không phải đơn giản, nhất là dữ liệu tương đối nhiều.

Nút Mua nhanh trên thiết bị di động – Nguồn: Aoyeuthuong

Hoặc nếu phát triển tính năng đó có vẻ phức tạp trên phiên bản di động, bạn có thể thêm một nút gọi điện nếu bạn muốn khách hàng liên lạc ngay với bạn khi ra quyết định mua hàng. Tính năng này được xây dựng khá đơn giản.

Chèn nút gọi điện như một tiện ích – Nguồn: Sieuthitaigia

Kết

Trải nghiệm người dùng không phải thứ gì đó quá to tát, quá khó thực hiện mà đơn giản là những yếu tố nhỏ nhặt mà bạn phải chăm chút nhằm giúp khách hàng sử dụng website một cách dễ dàng hơn, hợp lý hơn đồng thời củng cố, giúp khách hàng ra quyết định mua hàng đúng lúc, đúng thời điểm.

Xây dựng và duy trì một website TMĐT là công việc không hề đơn giản và cần đầu tư nhiều thời gian và bạn cần làm việc chăm chỉ, thường xuyên theo dõi hành vi của người dùng trên website.

Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ của tôi, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cần nhiều hơn thế, trog khuôn khổ một bài viết không thể truyền tải được quá nhiều và tùy vào đặc tính người dùng của mỗi website bạn sẽ có cách tối ưu trải nghiệm khác nhau. Hi vọng rằng một vài trải nghiệm tốt mà tôi đã nêu ra ở trên sẽ giúp cho website của bạn bán hàng tốt hơn.

Hãy hướng đến người dùng, doanh thu sẽ hướng đến bạn

Exit mobile version