Lúc chiều, trước khi rời khỏi vị trí công việc ở công ty tôi có trao đổi với một ông anh hiện đang là giảng viên đại học Bách Khoa Hà Nội và hiện đang thực hiện một dự án “tay trái” liên quan đến thanh toán trực tuyến. Thế là trên đường về tôi chợt có nhiều suy nghĩ về vấn đề thanh toán trực tuyến ở VN…
Cách đây khoảng 1,2 tháng tôi có thời gian tìm hiểu về thanh toán trực tuyến để phục vụ cho hội thảo nho nhỏ của câu lạc bộ Webmaster Việt Nam nên cũng có một tí gọi là hiểu biết về thực tế thanh toán trực tuyến và viết ra đây mong chia sẻ cùng mọi người.
Thực trạng thanh toán trực tuyến ở VN: vác xe lu, đu cột điện
Tôi chợt thấy nên đặt một cái tiêu đề vui vui một tí khi bàn về vấn đề thực trạng của thanh toán trực tuyến hiện nay ở VN và tôi đặt cái tiêu đề như trên :D . Chẳng biết các bác có cảm thấy thế không nhưng với tôi, tôi cảm thấy những gì dạo này các tuyên bố hùng hồn rằng “thanh toán trực tuyến ở VN đang rất phát triển” có cái gì đó khác xa với cảm nhận của tôi quá.
Điểm qua các website cho phép thanh toán trực tuyến ở VN, dễ dàng nhận thấy các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến tiêu biểu ở VN là OnePay, NganLuong, 2CheckOut, F@st MobiPay, MobiVi, Payoo, PayNet,VnMart, SmartLink và một số cổng thanh toán khác. Trong số này, có lẽ xét về phương diện phổ biến thì NganLuong.VN đang là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến “có máu, có mặt” nhất. Nhưng để tôi hỏi lại bạn, trong số các cổng thanh toán trực tuyến ở trên tôi đã kể ra, bạn biết được bao nhiêu và đã từng sử dụng dịch vụ của những anh chàng này lần nào chưa ? Và đã có bao nhiêu website tích hợp các cổng thanh toán trực tuyến này vào cho các hoạt động thương mại của mình? Bao nhiêu website thực sự hoạt động hiệu quả ? Bao nhiêu website gắn phương thích thanh toán vào để … “làm cảnh”?
Điểm qua một số khó khăn khi tham gia vào vấn đề thanh toán trực tuyến:
1. Hành lang pháp lý chưa rõ ràng
Mặc dù luật Thương Mại Điện Tử của VN đã ra đời tuy nhiên luật vẫn còn có nhiều hạn chế và có nhiều điểm bất cập mà tôi nghĩ rằng nó cần có thêm thời gian hơn nữa để có thể trở thành kim chỉ nam cho hoạt động thương mại điện tử. Những ràng buộc chưa chặt chẽ của nó lại góp phần tạo nên sự e dè khi người dùng quyết định tham gia vào mảng hoạt động này.
Tôi còn nhớ ngày tôi mở tài khoản Paypal của mình và thấy phí rút tiền (60k), tỉ giá đô la tôi đã sốc thế nào. Trong lúc giá đô la trên thị trường bên ngoài đã ở mức 18k+ thì lúc đó tỉ giá tính của Paypal chỉ là 16,5k. Tôi quên ngay ý định rút tiền từ tài khoản Paypal của mình về ngân hàng VN. Sau này, theo một số nguồn tin từ bạn bè tôi được biết đó là có sự tác động nhằm hạn chế sự mất giá của đồng VN (thông tin này tôi chỉ nghe được chứ không hề được chứng thực). Ngẫm lại thấy cũng đúng !
Bản chất dân ta là thích các giao dịch trực tiếp mặt-đối-mặt hơn so với việc thanh toán trực tuyến. Nếu như ở Mỹ, việc thanh toán trực tuyến khi mua hàng là một việc “thường ngày như đi siêu thị” thì ở VN chúng ta nó còn là một điều gì đó khá xa xỉ. Tâm lý dân ta còn ngại mỗi lúc giao dịch vì không biết tiền ta, hàng ta sẽ đi về đâu. Lúc xảy ra sự cố chỉ biết tự bảo nhau “rút kinh nghiệm đừng giao dịch trực tuyến nữa !” chứ số lượng câu chuyện được đưa ra ánh sáng rất hạn chế. Trừ khi số tiền cho giao dịch là lớn (!) Mà số tiền giao dịch lớn thì người VN lại có xu hướng thanh toán trực tiếp để đảm bảo an toàn. Những giao dịch trên mạng mà tôi được biết thường dừng lại ở mức dưới 1 triệu đồng mà thôi.
Bài học mới đây nhất mà thegioididong.com là người nếm trải có lẽ là bài học mới nhất giành cho doanh nghiệp về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Đùa vui tí chút chứ đúng là bà chị ấy vui tính gớm ! :D Nhưng nhìn ở góc độ doanh nghiệp, có lẽ đó là một bài học không nhỏ khi tham gia vào guồng máy thương mại điện tử. Hậu quả tiêu cự dễ thấy nhất từ câu chuyện của thegioididong.com: niềm tin vào các website bán hàng trực tuyến của VN giảm sút, các doanh nghiệp sẽ e dè hơn khi triển khai việc buôn bán và thanh toán trực tuyến.
3. Hệ thống CNTT của VN chưa đủ đáp ứng yêu cầu thanh toán trực tuyến
Thêm một nhận xét cá nhân mang khuynh hướng … tiêu cực của tôi nữa :)
Khi tìm hiểu về hệ thống ngân hàng, tôi “té ngửa” khi được một người bạn đã từng làm các dịch vụ SMS Payment cung cấp thông tin về hoạt động của ngân hàng. Té ra ngay cả các chi nhánh của ngân hàng, họ cũng sử dụng một server test để lưu tạm dữ liệu trước khi update lên server chính của ngân hàng. Về vấn đề này, tôi nghĩ tôi không nên lạm bàn vì có thể nó nằm trong qui trình kiểm tra thông tin của ngân hàng. Nhưng liệu như vậy cụm từ “giao dịch trực tuyến” có thể triển khai hay không khi yêu cầu của nó là nhanh chóng. Chưa nói những rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đợi update thông tin lên server chính của ngân hàng.
Cũng theo “tự sự” của người bạn tôi, việc một doanh nghiệp làm việc với ngân hàng về vấn đề kết nối cũng là một khó khăn không nhỏ.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, việc triển khai một cổng thanh toán (sử dụng API của một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nào đó) lên website của mình cũng không phải chuyện đơn giản và đòi hỏi một sự đầu tư đúng mức. Tôi giả định rằng việc thanh toán có thể triển khai trên website thì các chi phí liên quan đến bảo trì, bảo quản, backup dữ liệu, hệ thống bảo mật cho website …. và cả chi phí quản lý website cũng không phải là một chi phí nhỏ tí nào. Việc giao dịch trực tuyến ở VN chưa phát triển cộng với những yếu tố về quản lý, các khó khăn khi quyết toán thuế… khiến cho nhiều doanh nghiệp cảm thấy e dè khi phải đặt một số tiền lớn vào để xây dựng hệ thống này.
4. Hình thức thanh toán trực tuyến ở VN còn nhiều hạn chế
Ở VN hiện nay, các hoạt động thanh toán trực tuyến chủ yếu là thanh toán thông qua cổng thanh toán trực tuyến, SMS Payment, Mobile Banking. Trong đó Payment Gateway và SMS Payment là hai hình thức được ứng dụng nhiều nhất bên cạnh các hình thức gián tiếp như thanh toán qua ATM hay thông qua bưu điện.
Với các các cổng thanh toán trực tuyến, bạn cần có một số tiền nhất định đã được kí gửi tại cổng thanh toán mới có thể thanh toán được. Bạn sẽ cảm thấy điều đó là bình thường vì Paypal họ cũng làm vậy và cổng thanh toán đó cũng khá thành công với hình thức ấy. Nhưng hãy nghĩ thêm một tí: giả sử bạn có cần mua một món đồ vài ngàn đồng đang được bày bán trên website nào đó. Để thanh toán cho món đồ đó, ngoài việc bạn phải đăng ký với cổng thanh toán mà website đó tích hợp bạn cần chạy ra ngân hàng (hoặc các điểm giao dịch) để gửi tiền vào tài khoản của bạn(!). Quá phiền hà cho một món hàng vài ngàn đồng.
Tôi chợt nghĩ đến các hình thức gửi tiền vào tài khoản thông qua Master Card hoặc VISA card. Người dùng chỉ cần có tài khoản ngân hàng cùng các thông số liên quan đến card là có thể dễ dàng nạp tiền vào tài khoản. Tiếc là số lượng người dùng sở hữu các loại thẻ ghi nợ quốc tế như Master Card hoặc VISA Card không nhiều và các loại thẻ ATM của VN chưa làm được việc đó. Thông tin chưa chính thức mà tôi có thì hình như có một cổng thanh toán VN đã và đang triển khai việc đó là SmartLink. Tôi chưa sử dụng dịch vụ của SmartLink nên không rõ thực hư thế nào. Bạn nào confirm dùm :)
Lối thoát nào cho thanh toán trực tuyến
Một điều mà chúng ta không thể phủ nhận là thanh toán trực tuyến đã và đang phát triển ở VN tuy rằng còn gặp không ít khó khăn về rào cản tâm lý cũng như liên quan đến cơ sở hạ tầng. Việc SmartLink triển khai hệ thống nạp tiền thông qua thẻ ATM là một hướng đi theo tôi rất sáng sủa và nhiều tiềm năng và có thể tạo nên một cú bứt phá cho vấn đề thanh toán ở VN. Tuy nhiên sẽ còn có nhiều công việc phải làm mà việc khó khăn nhất là đưa xu hướng thanh toán trực tuyến trở thành xu hướng mới và thay đổi quan điểm, cái nhìn của người dùng về thương mại điện tử, đặc biệt là quan điểm rằng thanh toán tại các cổng thanh toán của VN không an toàn.
Theo nhận định cá nhân của tôi thì có lẽ trong 2,3 năm nữa thôi thanh toán trực tuyến của VN sẽ nhanh chóng đi vào guồng và thanh toán trực tuyến sẽ không còn là một điều xa lạ nữa.