NHANWEB

SEO Việt Nam đang ở giai đoạn nào ?

Ở bất kì một lĩnh vực nào, hay một nền văn minh nào chúng ta đều thấy một thực tế là khi nó đi đến cực thịnh thì sẽ bắt đầu một quá trình tàn lụi và kết thúc. Bài viết hôm nay, tôi xin được chia sẻ một vài quan điểm cá nhân về thị trường SEO Việt Nam và cùng nhìn lại đánh giá xem SEO ở Việt Nam đang ở giai đoạn nào trong quá trình khai sinh – cực thịnh – lụi tàn đó.

Đã từ lâu lắm rồi, tôi lắng nghe và theo dõi những chuyển động trong thị trường dot com Việt Nam. Một phần, những theo dõi ấy giúp tôi đánh giá và phân tích qui luật phát triển rồi rút ra những bài học cá nhân để đón đầu và nắm bắt cơ hội tương lai. Phải công nhận rằng tôi vẫn chưa nắm bắt được cơ hội cho chính mình nhưng những trải nghiệm từ quá trình ấy giúp tôi rút ra được nhiều bài học đáng giá.

Xin được điểm qua một chút về thị trường dot com Việt Nam trước để chúng ta hình dung quá trình phát triển và lụi tàn đã diễn ra.

– Đầu tiên tôi muốn nói đến thị trường thiết kế website Việt Nam. Cách đây khoảng 10 năm, khái niệm thiết kế website là một thứ gì đó rất xa vời, rất cao cấp mà những người làm CNTT ở Việt Nam nói chung còn chưa dám nghĩ tới. Chỉ có một số ít công ty ở Việt Nam đi theo con đường thiết kế website và phát triển website với số lượng website ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Rồi đến thời kì bùng nổ với hàng loạt các website ra đời, bản sắc công ty được thể hiện rõ qua từng thiết kế website công ty… Thiết kế website đạt đến cực thịnh cùng với những khái niệm hosting, nhà cùng cấp host, nhà thiết kế website, nhân tố quyết định sự phát triển ấy chính là thời điểm ADSL phổ biến ở Việt Nam. Năm 2006, tôi được tiếp cận với vấn đề phát triển website và manh nha ra mắt những website đầu tiên của mình với chỉ đơn giản HTML và một số đoạn javascript tôi học lóm được trên mạng. Theo tôi, thị trường thiết kế website VN bắt đầu bão hòa và thoái trào khi hàng loạt mã nguồn mở hỗ trợ thiết kế website được ra mắt như phpBB giành cho các website cộng đồng, Joomla giành cho các website doanh nghiệp, dịch vụ thiết kế website giá rẻ bùng nổ… và đến thời điểm hiện nay: bạn thấy đấy, nhà nhà làm website, người người làm website dễ dàng như ăn kẹo. Tuy chưa dám nói thị trường thiết kế website đã lụi tàn nhưng tôi nghĩ rằng khó mà có đột biến nào đối với phân mảng thị trường này và dần dần nó sẽ đi đến mốc thoái trào.

– Tôi lại dành vài dòng để nói đến những chiêm nghiệm trong vấn đề phát triển MXH ở Việt Nam. Từ lúc MySpace ra đời đã tạo nên một làn sóng mới. Ở Việt Nam, sự ra đời của Yahoo! 360 là mốc đánh dấu và phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực MXH(và blog). Sự rầm rộ ấy kéo theo hàng loạt MXH bản địa hình thành như Zing Me, cộng đồng LinkHay, tagVN, MXH Trường Xưa, MXH YuMe… Theo đánh giá của cá nhân tôi, tôi cho rằng MXH hiện nay đã bảo hòa ở phân khúc thị trường chung, tuy nhiên phân khúc thị trường ngách vẫn chưa được khai thác tốt nên tôi chưa dám khẳng định MXH đã đến thời điểm thoái trào hay chưa. Tôi nghĩ là còn lâu, biết đâu một cơn địa chấn nào đó giúp lĩnh vực này bỗng nhiên trỗi dậy thì sao nhỉ :D

Đến SEO ?

Đây mới là chủ đề chính mà tôi muốn nói và mong muốn mọi người cùng ngồi thảo luận. Có lẽ, tôi là một trong những người biết về SEO khá sớm trong cộng đồng SEO Việt Nam nhờ những điều kiện được tiếp xúc trong quá trình thực hiện những dự án đầu tiên lúc mới ra trường. Ngày đó, tôi có may mắn được làm việc với những người thích nghiên cứu tìm hiểu và là những người tạo nền móng cho cộng đồng SEO phát triển mạnh ở Việt Nam như hiện nay nên có thể nói tôi theo dõi SEO trong suốt con đường phát triển của nó từ buổi đầu tiên cho đến hiện nay.

SEO là quá trình học hỏi và nghiên cứu liên tục

SEO tại Việt Nam bắt đầu những nền móng phát triển đầu tiên khoảng vào thời điểm giữa năm 2006. Sau 5 năm, đến nay SEO đã là một khái niệm mà hầu như bất kì một nhà quản trị website nào cũng biết đến và tìm hiểu nó dù ít hay nhiều. Thậm chí, SEO còn được đưa vào hoạt động của công ty như một hướng đi chiến lược với những kế hoạch dài hơi. Điển hình, bạn có thể dễ dàng nhận ra FPT có bộ phận SEO riêng, Zing có bộ phận SEO riêng, VCCORP cũng có bộ phận traffic riêng…

Sự phát triển mạnh mẽ với sự góp tay của những người có tâm huyết đã đẩy SEO lên một vị trí mới trong danh sách hoạt động chiến lược ưu tiên các chủ website và đưa SEO đến với mọi người. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều cộng đồng SEO khá mạnh như vnwebmaster.com, thegioiseo, ddth… và được nhiều người quan tâm lui tới tìm hiểu, nghiên cứu SEO.

Đánh giá một cách chủ quan, tôi cho rằng SEO ở Việt Nam đã và đang đi vào giai đoạn bão hòa. Với sự phát triển không ngừng nghĩ và những kiến thức được phổ cập liên quan đến SEO liên tục được cập nhật lên các kênh nghiên cứu SEO, đặc biệt là các kênh liên quan đến cộng đồng Webmaster Việt Nam. Tôi cho rằng những kiến thức về SEO đã trở thành những kiến thức phổ thông và mọi người, mọi nhà đều có thể tự học SEO, nghiên cứu SEO. Cũng chính vì thực tại như vậy, các công ty SEO sẽ trở nên khó khăn hơn trong quá trình định giá từ khóa, định giá hợp đồng… Một khi bạn đã có một kiến thức nền tảng nào đó cho hoạt động này, hoặc là bạn tự làm(hoặc điều động nhân viên làm theo sự hướng dẫn của bạn), hoặc bạn sẽ thuê một đơn vị khác với điều kiện giá trị hợp đồng không được quá cao với sức lao động nếu như bạn(hoặc nhân viên của bạn) bỏ ra.

Trong khi đó, sự phân hóa trong thị trường cũng đã dần ổn định. Các công ty về SEO lớn, tiềm lực tài chính hùng hậu thời gian qua đã không ngừng thâu tóm domain, xây dựng hệ thống hỗ trợ SEO cho riêng mình và các cứ trong một hoặc một vài lĩnh vực mà họ có thế mạnh. Chính rào cản này khiến cho cuộc chơi trên thị trường SEO trở nên không còn cân sức và chiến thắng luôn giành cho kẻ mạnh. Bạn thử làm một ví dụ nhỏ:nếu bạn có kiến thức, có trình độ nhưng … không có hệ thống, khả năng chiến thắng của bạn cho những từ khóa như “việc làm”, “tuyển dụng” hay “rút hầm cầu”,”thông tắc cống”… là bao nhiêu phần trăm?

Đã có thời điểm tôi nghĩ rằng sự phân hóa mạnh – yếu ấy vô tình sẽ định hình được thị trường SEO và một khi các “địa chủ” đã chiếm đất thì “giá thuê đất” sẽ do “địa chủ” ấy quyết định. Như vậy, cuộc chơi trong sân chơi ấy sẽ không còn công bằng(mà nói thực trên đời làm gì có sự công bằng nhỉ ?), thế hệ các SEOer mới sẽ không thể dùng trứng chọi vào đá đâm ra nản và từ bỏ. Hoặc là anh ta vì thiếu kiến thức mà lao đầu vào một cách điên cuồng sẽ dẫn đến hậu quả khắp Internet toàn rác (như hiện nay) thì sẽ nguy hiểm như thế nào.

Có lẽ tôi hơi bi quan khi nhìn nhận sự việc với một góc nhìn thiển cận như trên. Nhưng thị trường SEO hiện đã và đang phân hóa sâu sắc: các công ty SEO yếu sẽ không có đất sống, các công ty mạnh mặc sức tung hoành, áp đặt thị trường và phân khúc ngành nghề mình nắm giữ.

SEO Việt Nam đang thoái trào ?

Tôi cho rằng chưa ! Thắng thua cuối cùng của một cuộc chơi phụ thuộc vào luật chơi luôn được thay đổi liên tục và được nắm giữ bởi Google, Bing, Ask, Yahoo! và các chuyên gia của các hãng này. Bức tường thành mà các công ty lớn xây dựng vững chắc hiện nay có thể sụp đổ bất cứ lúc nào một khi các hãng mà đại diện là Google thay đổi luật chơi. Biết đâu, khi điều đó xảy ra SEO sẽ được đẩy lên một cao trào mới thì sao ?

Còn với thị trường hiện nay, theo tình hình này tôi cho rằng SEOer dần dần sẽ trở thành miếng mồi ngon cho các công ty cung cấp các phần mềm spam, build link khai thác và lợi dụng và Internet sẽ trở thành bãi chiến trường.

Bản thân tôi chưa bao giờ làm SEO, chưa bao giờ nghiên cứu SEO một cách bài bản và nghiêm túc. Với tôi, SEO chỉ là công cụ giống như đồng tiền: nó khiến bạn có thể mua được thứ bạn muốn, có thể được người khác nể trọng và tôn vinh nhưng tuyệt đối bạn không được biến mình thành nô lệ của nó. Với tôi, SEO có đang ở giai đoạn nào trong chuỗi phát triển ấy không quan trọng, quan trọng là lúc này; thời điểm này SEO có thể làm được gì cho tôi.

Còn bạn, hãy đưa ra nhận định của bạn về giai đoạn hiện nay của SEO trong chuỗi phát triển – lụi tàn ấy nhé !

Exit mobile version