NHANWEB

Quyền sở hữu tên miền thương hiệu, hiểu sao cho đúng ?

Tuần rồi cộng đồng webmaster Việt Nam và những người đầu cơ tên miền dậy sóng với thông tin “Khoa bánh ít” bị pháp luật sờ gáy vì có những tranh chấp với EuroWindow liên quan đến các tên miền ww.eurowindowholding.com, eurowindowholding.net; eurowindowholding.vn; eurowindowholding.com.vn mà ông này đang sở hữu. Chuyện đúng sai trong vụ án này tôi xin phép không bàn đến vì đã có pháp luật xử lý. Chúng ta hãy cùng bàn bạc về việc sở hữu tên miền thương hiệu như thế nào để an toàn.

Vụ lùm xùm thương hiệu liên quan đến Khoa bánh ít được đăng trên FaceBook của tôi đã thu hút sự quan tâm và thảo luận của rất nhiều người đang sở hữu tên miền hoặc website, kể cả những người đang đầu cơ tên miền. Trong số đó có cả 2 người đã từng dính đến những vụ lùm xùm kiện tụng tên miền, đã từng bị WIPO – tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới gửi trát hầu tòa nên có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tranh chấp tên miền quốc tế. Dưới đây là một vài rút ra của tôi, tôi hi vọng có ích cho các bạn đang sở hữu tên miền thương hiệu:

Đăng ký trước được trước nhưng chưa chắc được sử dụng !

Trường hợp này được áp dụng cho VNNIC và cả toàn thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đăng ký một tên miền trước chủ sở hữu thương hiệu nghĩa là bạn toàn quyền sử dụng tên miền đó để làm việc bạn thích. WIPO nói chung và VNNIC hoàn toàn có thể xem xét lại quyền sở hữu tên miền của bạn nếu họ nhận được trát của tòa án nước sở tại mà bạn đang sinh sống. Bạn đang sống trong quốc gia nào bạn sẽ chịu sự chế tài của pháp luật thuộc quốc gia đó cho dù bạn mua tên miền ở đâu.

Nói tóm lại, một khi bạn đã sở hữu tên miền của người khác; trừ khi bạn không làm gì ảnh hưởng đến thương hiệu người khác, dấu luôn thông tin cá nhân người sở hữu tên miền. Nếu không bạn hoàn toàn có thể bị kiện và mất tên miền đã mua.

Đã có khởi kiện, nghĩa là bạn không chỉ có nguy cơ mất tên miền

Một khi đã khởi kiện, bạn sẽ có nguy cơ mất nhiều hơn tên miền bị khởi kiện. Các thương hiệu lớn một khi đã khởi kiện thì họ thường không nhắm vào kết quả là sẽ lấy lại tên miền này (điều gần như chắc chắn là nếu họ thắng thì cho dù họ không thèm lấy lại thì chẳng ai dại gì đụng vào nữa). Mục tiêu khởi kiện lúc này của họ sẽ là các tội danh liên quan đến lợi cíh kinh tế như các tội: giả mạo thương hiệu gây thiệt hại về kinh tế, trốn thuế, vi phạm thương hiệu đã được bảo hộ, tống tiền … những tội danh này một khi được thành lập thì bị cáo sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế khi phải đền bù số tiền lớn cho nguyên cáo kèm theo việc chấm dứt vi phạm (coi như hết được xài tên miền).

Cho nên, một khi đã sở hữu tên miền thương hiệu của người khác nghĩa là bạn đang chơi với con dao 2 lưỡi thực thụ. Một khi bạn (hoặc họ) chưa đủ lớn việc kiện tụng sẽ ít xảy ra mà thông qua hòa giải hoặc mua bán trao tay. Nếu họ đủ lớn, đủ mạnh để có một đội ngũ luật sư. Bạn thua là chắc chắn. Đừng dại !

Lời kết

– Bản thân tôi thật sự cũng sở hữu vài ba tên miền (vài ba theo đúng nghĩa đen của nó) và chẳng dám sở hữu một tên miền thương hiệu nào cả. Nếu tôi mua tên miền, tôi sẽ tìm kiếm các tên miền mang từ khóa ngành (là các danh từ chung) mà chẳng dính dáng gì đến một thương hiệu có sẵn nào. Điều này sẽ giúp tôi giảm thiểu rủi ro liên quan đến tranh chấp tên miền với các tổ chức, công ty mà cơ hội bán tên miền “được giá” cũng sẽ cao hơn rất nhiều bởi nhiều người cũng muốn sở hữu loại tên miền này cho hoạt động kinh doanh.

– Lời khuyên thứ 2 là một khi đã có ý định “làm liều” kinh doanh/mua bán tên miền của một thương hiệu khác hãy tìm hiểu kĩ qui định của pháp luật Việt Nam lẫn WIPO – tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Nếu không cho dù muốn dù không, cho dù bạn tự tin rằng bạn không sống ở quốc gia mà chủ sở hữu thương hiệu đang kinh doanh, đang sống thì cơ hội bị mất tên miền của bạn vẫn rất cao. Một khi tìm hiểu kĩ, có thể bạn có cơ may bán được tên miền đó nhưng tôi cho là rất thấp và không đáng để liều.

Exit mobile version