NHANWEB

Chuyện tui học đòi sử dụng Amazon Web Services(AWS) P1

Mấy bữa nay bế quan nghiên cứu Amazon Web Services cũng lắm chuyện vui nên buồn buồn ngồi kể với anh em chơi cho vui. Chuyện bắt đầu bằng việc một thằng nông dân như tôi tự dưng nổi máu đua đòi sính ngoại với bà con cô bác gần xa nên vác thẻ VISA đi mở một tài khoản AWS xem bọn tây nó làm ăn như nào và dịch vụ của nó so với Việt Nam ra sao.

Tôi cũng chuẩn bị tâm lý từ trước là sẽ gặp không ít khó khăn vì vốn tiếng Anh của tôi cũng nghèo nàn mà phải đọc những tài liệu chuyên ngành nên chắc chắn không thể tránh khỏi khó khăn. Ừ ! Nhưng thôi cứ lao vào thôi, mình là thằng chả biết gì về cái services của nó, nếu không lao vào thì đến tết Conggo cũng chả biết được. Thế là thằng tôi với một chút mường tượng về cái services dành cho webmaster của Amazon, với một cái thẻ VISA có vài đồng bạc (để nhỡ nó có trừ thì mình tiếc tiền mà không lún sâu quá) một thân một mình dấn thân vào Amazon Web Services.

1. Xem xét

Để đỡ ảnh hưởng đến túi tiền của mình, tôi quyết định tìm hiểu xem thằng Amazon cung cấp những dịch vụ gì và giá cả của chúng như thế nào. Dựa trên đó, tôi có thể hình dung được những gì nó cung cấp và số tiền tôi phải bỏ ra hàng tháng là bao nhiêu cho cái sự “đi học khôn” của mình.

Có thể nói, Amazon Web Services cung cấp hầu như đầy đủ nhu cầu cần thiết của một nền tảng online bao gồm từ cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm và những thứ có liên quan. Nổi bật có những dịch vụ phổ biến như:

  1. Amazon EC2: giúp triển khai các cloud computing với giá cả tương đối dễ chấp nhận để bạn triển khai các máy chủ phục vụ cho việc thực thi web của mình.
  2. Elastic Load Balancing: tự động phân phối lưu lượng truy cập đến nhiều EC2 khác nhau để cân bằng tải.
  3. Amazon S3 (Simple Storage Service): cho phép bạn lưu trữ dữ liệu tĩnh để có thể truy xuất bất kì đâu, bất kì lúc nào.
  4. Amazon Glacier: lưu trữ và sao lưu dữ liệu.
  5. Amazon Route 53: dịch vụ phân giải tên miền Domain Name System (DNS)
  6. Amazon SES(Simple Email Service): dịch vụ gửi email.
  7. Amazon RDS (Amazon Relational Database Service): dịch vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu. Dĩ nhiên nó cũng nằm trên mây :)

Tất cả các dịch vụ và giá của Amazon bạn có thể xem ở đây.

Sau khi xem xét một vài dịch vụ có tiềm năng, Nhân tui quyết định chọn nghiên cứu 2 dịch vụ khá hay và có khả năng ứng dụng cao là EC2 và S3 để tìm hiểu. Những dịch vụ khác từ từ tìm hiểu sau khi có thời gian.

2. Tui cài đặt EC2

Nghía qua bảng giá, tui quyết định chọn gói thấp nhất của EC2 với RAM 1GB, HDD8GB để tìm hiểu. Một đống tài liệu được Amazon chưng ra trước mặt bao gồm cả hướng dẫn setup, hướng dẫn cấu hình, cấp quyền truy cập, cài đặt PHP…

Để tiết kiệm thời gian, tôi có xem video clip cài đặt của Tuấn trên bloghoctap.com. Sẵn tiện đăng lại cho bạn nào quan tâm:

Ngoài ra, Amazon cũng cung cấp rất nhiều tài liệu liên quan đến việc cài đặt LAMP trên EC Instance, ví dụ như tài liệu này.

Thiệt tình mà nói, việc xem clip không dễ dàng như đọc tài liệu của Amazon. Nhất là khi bạn không hiểu rõ về nhiều lên SSH như tôi. Nhưng cuối cùng, sau nửa ngày mày mò tôi cũng đã có thể hoàn tất việc cài đặt và bật được trang test page lên.

Đối với tôi là một thành công lớn ơi là lớn :D.

Sau 3 ngày chạy thử EC2,nó ngốn của tôi hết 0.53$. Làm một phép tính đơn giản tôi tính ra được mỗi tháng tôi sẽ mất tầm 4$ cho con server này. 4$/tháng cho 1 con server chạy lifetime hầu như 24/24 (cloud mà), so sánh với giá server hoặc VPS ở VN tôi thấy rằng rất đáng để đầu tư.

Giờ đây việc quản lý server EC2 đã tương đối dễ thở hơn với tôi mặc dù tôi chưa biết có cài đặt được những phần mềm quản lý webhosting căn bản như DirectAdmin hay Cpanel được không. Nhưng với SSH tôi hi vọng mọi chuyện đều suôn sẻ. Tạm thời tôi ngừng tìm hiểu EC2 để bước sang nghiên cứu S3 vì với tôi S3 có ý nghĩa hơn.

Tìm hiểu S3 cũng nhiêu khê hơn nhiều nữa. Mời bạn đón đọc.

Exit mobile version