NHANWEB

Vụ thu phí tải nhạc: Sẽ chặn các phương thức download “chùa”

Bài này đọc ở Genk thấy hay và có một số kiến thức bổ ích cho người làm nhạc số lẫn người nghe cũng như phân tích đa chiều. Cho nên xin post lại trên NhanWeb cho bạn nào quan tâm cùng đọc và chia sẻ.

Zing và Nhaccuatui sẽ có biện pháp chống tải nhạc “lậu”

Đại diện của Zing Mp3 và Nhaccuatui cho biết, 2 website này sẽ xây dựng các cơ chế bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo những ca khúc của ca sĩ, nhạc sĩ không bị sử dụng bất hợp pháp, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng người dùng có thể dùng một công cụ nào đó để tải nhạc về, dù số lượng rất ít.

Từ 1/11, người dùng không thể dễ dàng tải về các ca khúc trên Zing Mp3, Nhaccuatui như hiện nay.

Hướng đến khách hàng muốn nghe nhạc chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Phan Lê Mạnh, Giám đốc các sản phẩm giải trí của Zing cho biết, thị trường âm nhạc trực tuyến ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang phát triển, nó cũng đi từ thấp đến cao. Tuy nghe nhạc miễn phí là thói quen có từ lâu nay nhưng nhu cầu người dùng hiện tại không chỉ là nghe nhạc đơn thuần mà sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng các bản ghi, hình ảnh đẹp, bản quyền bài hát…

“Như vậy, sẽ có một bộ phận người dùng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm âm nhạc chất lượng cao. Việc trả phí tải nhạc cũng nhằm tôn trọng bản quyền và giúp nền âm nhạc có cơ hội phát triển”, ông Mạnh cho biết thêm.

Ngoài ra, mức thu 1.000 đồng/bài hát là phí đề xuất của các nhà cung cấp nội dung, phải đợi sau khi áp dụng thu phí thì mới đánh giá được là cao hay thấp dựa vào số lượng tải của người dùng. Người dùng có quyền lựa chọn ca khúc tải về nên những sản phẩm âm nhạc chất lượng kém sẽ tự bị đào thải khỏi thị trường.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc Công ty NCT – đơn vị quản lý trang web Nhaccuatui đánh giá, ở thời điểm ban đầu mức phí 1000 đồng/bài hát là hợp lý, vừa đủ thử nghiệm với người dùng. Bên cạnh đó, nhiều ca khúc của ca sĩ mới, chương trình từ thiện hay sự kiện nào đó…sẽ được tải miễn phí. “Mặc dù vậy, về cơ bản, chúng tôi khuyến khích thu phí tải nhạc cho tất cả bài hát vì khi đó sẽ tạo nguồn thu tốt để đưa ra những ca khúc chất lượng và tạo được niềm tin cho người sử dụng”, ông Kha nhấn mạnh.

Ngoài ra, quy định thu phí tải nhạc từ 1/11 không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường nghe nhạc, bởi vì đang thử nghiệm với việc tính phí tải nhạc, còn nghe nhạc trực tuyến vẫn miễn phí.

“Giữ chân” người dùng trước các trang web nghe nhạc “lậu”

Các đơn vị giữ bản quyền và phân phối nhạc online lớn chung tay thu phí.

Cũng theo ông Mạnh, buớc đầu triển khai dịch vụ này, Zing muốn hướng đến những đối tượng khách hàng tôn trọng bản quyền âm nhạc và có nhu cầu sử dụng nội dung với chất lượng cao, từ đó thay đổi thói quen của người dùng trong việc nghe và tải nhạc số hiện nay.

Trên cơ sở đó, Zing MP3 và những websites âm nhạc khác sẽ xây dựng các cơ chế lưu trữ và bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo những nội dung chất lượng cao của các nhà sản xuất, nhà phân phối không bị sử dụng một cách bất hợp pháp.

Ông Kha cho rằng, đúng là về mặt lý thuyết, người dùng có thể dùng một công cụ nào đó để tải nhạc về nhưng số lượng những người này rất ít, điều quan trọng nhất chính là 5 website ký cam kết có thực hiện nghiêm túc việc thu phí tải nhạc trực tuyến hay không? “Về nguyên tắc kỹ thuật, các website hoàn toàn có thể hạn chế ở mức nào đó để người dùng không thể tải được về. Ban đầu người dùng có thể chưa quen nhưng lâu dài họ sẽ chấp nhận vì có được những sản phẩm âm nhạc chất lượng hơn”, ông Kha kết luận.

Trên thực tế, mặc dù quy định xử phạt các trang web vi phạm bản quyền đã có nhưng chưa thể thực thi, nhất là những trang đặt máy chủ ở nước ngoài. Khi được hỏi về vấn đề có sợ mất khách khi thu phí không vì người dùng có thể chuyển qua những trang web “lậu” để tải nhạc, ông Kha cho rằng, bất kỳ website nào trong số 5 website ký cam kết trên đều lo ngại chuyện này. Do vậy, MV Corp và NCT đã trao đổi kỹ và sẽ có biện pháp mạnh dành cho với các website vi phạm.

Còn với Zing Mp3, theo ông Mạnh, đơn vị này sẽ cố gắng thu hút và giữ chân người dùng bằng nội dung chất lượng cao và phát huy thế mạnh khác như kho nhạc nhiều, liên tục cập nhật và đảm bảo tính ổn định về đường truyền. Hiện nay, ngoài việc hợp tác với RIAV, MV, Zing cũng đang hợp tác với gần 700 ca sĩ để cung cấp các ca khúc cho người sử dụng. “Mô hình thu phí này không phải là mới và nó đã chứng minh được hiệu quả trên thế giới. Việc thực hiện nhằm mang lại hiệu quả tích cực ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian”, ông Mạnh khẳng định.

Nguồn bài: Genk

Exit mobile version