NHANWEB

Vụ “phao thi” Bắc Giang và câu chuyện thi tốt nghiệp của tôi

Thời gian qua tôi nghĩ bạn đọc NhanWeb đều đọc được thông tin về vụ một học sinh thi tốt nghiệp PTTH quay được clip giám thị coi thi hướng dẫn bài, ném phao cho học sinh. Đa số các ý kiến đều cho rằng hành động như thế này sẽ là một vết nhơ cho nền giáo dục và cản bước phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Việc phân định đúng sai, việc xử lý như thế nào đã có Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp với Bộ Công an(nếu cần) truy cứu. Ở đây, tôi chỉ xin kể một câu chuyện tương tự mà chính tôi là người trong cuộc.

Bạn đọc NhanWeb thân mến,

Trong số những bạn đang ngồi đọc những dòng này tôi tin chắc có nhiều bạn đã trải qua tuổi học trò, trải qua những kì thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp với tâm trạng lo lắng. Bạn biết không, tôi không có điều kiện để học tập như nhiều bạn ở những thành phố lớn, những năm ở cấp THCS rồi đến THPT tôi được học ở một huyện không được cho là có điều kiện phát triển lắm ở tỉnh Bình Thuận.

Ở đó, cái bằng cấp ba hay còn gọi là bằng tốt nghiệp 12 là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người. Do điều kiện dân trí thấp cũng như cuộc sống không no đủ, nhiều gia đình chỉ cho con em mình học hết lớp 9 rồi nghỉ đi làm công nhân, những gia đình nào hiếu học mới có thể cho con học tiếp. Nhưng cái hành trình gian nan đi tìm con chữ ở cái huyện nghèo ấy không đơn giản, học trò bọn tôi không có điều kiện học thêm, cũng chẳng có sách vở hỗ trợ chi nhiều nên những gì được học hầu hết là sách giáo khoa.

Tuy rằng các thầy cô ở trường tôi khá tận tụy với học sinh và kỉ luật học cũng nghiêm khắc, nhưng con chữ không phải có thể chui vào đầu bất kì ai. Nhiều người cố gắng nhưng vẫn … ở lại lớp như thường vì đến mùa thì cũng phải lên rẫy phụ gia đình hái cà, hái đào hay đi … chăn bò cả ngày.

Năm tôi học 12 cũng là năm tôi chứng kiến lượng thí sinh tự do thi tốt nghiệp có độ tuổi trung bình khá lớn. Có nhiều anh/chị đã 23,24 tuổi, tay đã đeo nhẫn cưới vẫn xin vào học cùng chúng tôi những tháng cuối cùng để ôn thi tốt nghiệp. Các thầy cô bảo “tội chúng nó lắm, chúng nó chỉ cần cái bằng 12 để được tăng lương thôi mà mấy năm nay năm nào cũng đi thi lại chả được”. Thì ra, các anh chị này là lứa học trò cũ của các thầy cô trong trường…

Nghĩ cũng thương, ở một cái huyện nghèo, việc theo đuổi con chữ chủ yếu là để mơ một cuộc sống, một mức lương khấm khá hơn ở một nhà máy, xí nghiệp nào đó chứ được mấy người mơ ước học hành đổ đạt đại học rồi thành tài.

Ngày đi thi, cả trường được thuyên chuyển đi làm công tác giám thị ở một trường bạn, thay vào đó một trường khác sẽ được điều động về làm công tác giám thị tại trường.

Bạn đọc NhanWeb thân mến, những gì bạn thấy ở những bài báo liên quan đến vụ việc vừa qua gần như diễn ra đầy đủ trong thời gian tôi thi tốt nghiệp: cũng có giám thị bỏ ra ngoài nói chuyện (cố ý), cũng có giám thị đi lên đi xuống vô tình liếc bài thí sinh bảo sai rồi làm lại đi em; cũng có việc bọn học trò chúng tôi dấu tài liệu… Nên khi nhìn thấy clip được cô cậu học trò nào đó gửi đến báo để tố cáo, tôi lại nhớ đến những ngày xa xưa ấy của mình.

Tôi không nghĩ rằng việc làm của các thầy cô giám thị ở trường tôi ngày xưa là đúng. Nhưng việc làm đó đã giúp cho biết bao nhiêu anh chị “quá lứa, lỡ thời” có cơ hội được cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT, có cơ hội được cải thiện cuộc sống và nhận những điều kiện công tác tốt hơn cũng như những điều kiện làm việc tốt hơn, có cơ hội để cải thiện cuộc sống nghèo khó của mình.

Câu chuyện nhỏ của tôi có thể là vết nhơ cho công tác quản lý chất lượng giáo dục ở Việt Nam nhưng nó lại là chấm son quan trọng trong cuộc đời một số con người.

Đôi lúc, tôi thấy cũng đáng suy ngẫm….

Exit mobile version