Đây là bài viết trên báo VNExpress mình đọc được sáng nay, thấy hay và có nhiều điểm để học hỏi nên save về blog từ từ ngâm cứu và cũng là để bà con gần xa cùng tranh luận về mô hình Groupon
Theo đánh giá của dân trong ngành, thời gian gần đây 2 mô hình, cũng là 2 trào lưu hot nhất về Internet là : mô hình checkin thông tin vị trí địa lý đại diện là Foursquare và mô hình mua theo nhóm/đoàn đại diện là Groupon.
Hôm nay hoàn thành xong 2 bài luận văn nhỏ + tuyết tan trời lạnh + cái chân vẫn chưa khỏi hẳn sau vụ trượt tuyết cần hạn chế “loăng quăng” nên ngồi nhà viết về những gì mần mò tự tìm hiểu được, cũng như nhận định, phân tích cá nhân về sự phát triển của mô hình Groupon tại Việt Nam.
Đợt vừa rồi có viết một luận văn nhỏ về quản lý vận hành của các trang Groupon tại Việt Nam, nhưng do không quen nhiều các chú các bác quản lý bên mấy website đó, chỉ thông qua lập luận và chút kinh nghiệm có được khi tham gia hỗ trợ một CEO của một trang groupon Việt Nam để viết bài, nên tự thấy chất lượng về mặt thực tế và so sánh của bài luận văn không được cao lắm. Hôm nay không viết về quản lý vận hành mà tản mạn chung chung chút thôi.
Về Groupon:
Nếu hỏi về nguồn gốc của mô hình Groupon đang vô cùng hot hiện nay thì ai ai cũng sẽ nói nó bắt nguồn từ sự thành công của trang web mua theo nhóm Groupon của Mỹ năm 2008. Nhưng thật ra khái niệm mua theo cùng mua không phải là mới và Groupon cũng không phải là trang web đầu tiên về hình thức mua theo nhóm này. Trang web đầu tiên về mua theo nhóm là trang Mobshop.com thành lập năm 1998. Ngay sau khi Mobshop thành lập, đã có rất nhiều các trang web na ná khác được thành lập ở Mỹ và Anh như LetBuyit.com, Onlinechoice, E.conomy.com…
Những trang web này cũng giống như những trang web về thương mại điện tử khác, bán điện thoại, máy tính… cùng nhiều loại sản phẩm khác, chỉ khác một điều giá cả của các loại sản phẩm không cố định mà “biến động”, nhà cung cấp sẽ đưa ra một khoảng thời gian nhất định, trong khoảng thời gian đó tùy thuộc vào lượng người tham gia mua nhà cung cấp sẽ hạ giá bán xuống những mức khác nhau, lượng người tham gia mua càng nhiều thì giá càng rẻ, cứ thế cho đến khi thời gian mua kết thúc.
Trung Quốc cũng trước đây cũng có một số trang web mua theo nhóm tương tự vậy như liba.com, taobaotuangou.cn…
Nhưng hình thức mua theo nhóm truyền thống không thật sự phát triển và gây được sự chú ý vì thiếu sự sáng tạo và không có một mô hình thật sự rõ ràng, đơn giản, dễ sử dụng và thu hút được người sử dụng cũng như nhà cung cấp. Cho đến năm 2008, khi mô hình của trang Groupon của Mỹ ra đời, với mô hình đơn giản, tiện lợi và đặc biệt là thành công ấn tượng đã khơi dậy một trào lưu về mô hình mua theo nhóm trên toàn thế giới.
Groupon chỉ sau 7 tháng thành lập đã có lãi, thu nhập năm 2009 là 100 triệu USD, thu nhập tiêu thụ năm 2010 là 760 triệu USD. Ngày 19/4, sau khi nhận được 135 triệu đầu tư từ DST (Digital Sky Technologies), giá trị của Groupon đã đạt mức kỷ lục 1,35 tỷ USD trong khi các đàn anh khác như Twitter cần đến 3 năm, Facebook cần đến 2 năm mới có thể đạt được giá trị 1 tỷ USD. Tháng 12/2010, Groupon đã từ chối lời mời mua lại với giá 6 tỷ của Google!
Thành công nhanh chóng của Groupon đã khơi dậy tinh thần “học hỏi” cũng nhanh không kém trên toàn thế giới, hàng loạt các trang web mô phỏng khác được thành lập như LivingSocial, Gilt City, BuyWithMe, Tippr, Juice in the City, We Give to Get…của Mỹ, Daily Deal của Đức, Snippa của Anh, đặc biệt là Trung Quốc với số lượng website hiện tại đã lên đến con số hàng nghìn, nhưng đứng đầu vẫn là một số trang web lớn như meituan.com (CEO là người sáng lập ra renrenwang.com -facebook bản Trung Quốc , fanfou.com – Twitter bản Trung Quốc – sau khi trang web này vì một vài sự cố đóng web vào nửa cuối năm 2009 thì Twitter bản Trung Quốc có tên là weibo thịnh hành hơn), lashou.com, Ftuan.com, tuanbao.com,tuan.sina.com.cn….
Các website mua theo nhóm của Việt Nam cũng mọc lên như nấm!
Bản chất của mô hình Groupon:
Nhiều người cho rằng Groupon là một hình thức phát triển của thương mại điện tử, cụ thể là mô hình thứ 4 của thương mại điện tử – thế giới gọi tắt là B2T(Business To Team), sau B2B (Business To Business), B2C (Business To Customer),C2C (Customer To Customer). Nhưng thật ra Groupon là mô hình kết hợp giữa thương mại điện tử và quảng cáo. Thậm chí có thể nói, nếu Groupon bao gồm 100 phần thì chỉ có 10 phần là thương mại điện tử. Mục đích cuối cùng của việc các trang web Groupon không đơn thuần là bán các phiếu khuyến mãi, mà quan trọng hơn là để quảng bá thương hiệu, quảng bá thương hiệu cho nhà cung cấp và quảng bá thương hiệu cho chính mình.
Các nhà cung cấp đồng ý đưa ra các siêu khuyến mãi, siêu giảm giá tới 60%, 70% thậm chí là trên 90%, mục đích chủ yếu là để quảng cáo, vì nếu đơn thuần chỉ là giảm giá để thu hút lượng lớn khách hàng thì tính thế nào nhà cung cấp cũng vẫn lỗ vốn. Và hơn nữa lượng người mua càng nhiều thì càng lỗ nặng. Nhưng, nếu coi như đây là một phương thức quảng cáo, và các chi phí thông qua giảm giá là các chi phí dành cho quảng cáo thì lại thấy cực kỳ có lợi và cực kỳ đáng.
Nhà cung cấp nếu sử dụng các phương thức quảng cáo khác, sẽ phải chi trả chi phí lớn hơn mà hiệu quả thì không được đảm bảo vì các phương thức quảng cáo khác không đảm bảo lượng khách hàng sẽ tìm đến với nhà cung cấp sau thời gian quảng cáo. Còn nếu thông qua tổ chức mua theo nhóm thì có thể chắc ăn hơn, sẽ tạo cơ hội để khách hàng đích thân tới trải nghiệm sản phẩm – dịch vụ của chính mình.
Nếu số người mua không đạt được số người yêu cầu tối thiểu thì hoạt động mua theo nhóm đó coi như hủy bỏ, không có khách hàng đến thì nhà cung cấp cũng chẳng mất gì, hơn nữa lại còn được quảng cáo miễn phí trên website của các trang Groupon nữa! Đây cũng là một trong những kỹ xảo mà các nhân viên thị trường của các trang mua theo nhóm phải nắm được để đi đàm phán với nhà cung cấp: Cần nhấn mạnh cho họ hiểu, họ không lên trang web để bán sản phẩm-dịch vụ, mà lên trang web để quảng cáo! Từ đó họ sẽ chuyển trọng tâm chú ý từ chi phí bỏ ra qua giảm giá sang hiệu quả quảng cáo.
Đây cũng là lý do vì sao mà các hoạt động mua theo nhóm được tổ chức trên các trang Groupon chủ yếu hướng vào ngành dịch vụ, vì ngành này chi phí đầu vào thấp, dễ đàm phán để nhà cung cấp đồng ý đưa ra mức giảm giá cao.
Có thể nói ý tưởng và mô hình của Groupon đã được các trang web khác copy nhân rộng một cách vô cùng nhanh chóng, hầu hết các trang web đều có thiết kế và bố cục chẳng khác là bao so với bản gốc, có chăng thì cũng chỉ là logo, màu sắc và thêm nếm cắt gọt chút xíu. Thậm chí có những trang web còn để bê nguyên cả màu sắc và phong cách của bản gốc và chỉ thay mỗi logo của mình vào! Như Andrew Mason nói, một số trang web còn copy không thương tiếc, thậm chí cả những lỗi sai ngớ ngẩn của Groupon cũng không bỏ qua!
Ý tưởng và mô hình của Groupon rất đơn giản, có thể copy rất dễ dàng, nhưng thành công của Groupon thì liệu có thể copy được không? Câu trả lời hiện nay là có, vì theo thực tế một số trang web mô phỏng đã đạt được những thành công bước đầu.
Để thành công, 2 điều kiện cần đầu tiên: tìm được và thuyết phục những nhà cung cấp đồng ý đưa ra mức giảm giá thật cao; thu hút thật nhiều người mua. Hai điều kiện cần này có quan hệ hỗ trợ cho nhau: tìm được những khuyến mãi giảm giá ở mức cao thì sẽ dễ dàng thu hút nhiều người mua, và có nhiều người mua thì sẽ dễ đi đàm phán thương lượng để các nhà cung cấp đồng ý đưa ra mức giảm giá cao. Ngoài ra cần những điều kiện đủ khác như thiết kế, bảo trì web, các phương thức tuyên truyền quảng cáo, dịch vụ chăm sóc khách hàng….Nhưng suy cho cùng, những điều kiện đủ khác cũng chỉ là để xoay quanh phục vụ 2 điều kiện cần đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trên mà thôi!
Theo thuyết Matthew Effect, kẻ mạnh sẽ càng mạnh, kẻ yếu sẽ càng yếu, và dần dần sẽ bị đào thải. Những trang web lớn thông qua các biện pháp quảng cáo tuyên truyền online và offline sẽ có thể thu hút ngày càng nhiều người mua, và người mua thì cũng thấy yên tâm hơn khi mua hàng ở những trang web lớn. Ngoài ra vì có lượng thành viên đông đảo cộng thêm danh tiếng của mình, các trang web cũng sẽ dễ dàng đàm phán với nhà cung cấp hơn!
Phụ mục
Thành công của Groupon copy thế nào?
Các nhà kinh tế nước ngoài đều có ánh nhìn rất khả quan vào thương mại điện tử Việt Nam và Groupon Việt Nam thông qua tỷ lệ người phổ cập và tốc độ phổ cập internet tại Việt Nam. Năm 1997 Việt Nam mới bắt đầu chính thức sử dụng Internet, nhưng đến năm 2009 đã có khoảng 23 triệu người sử dụng, chiếm 26% dân số, đến năm 2010 có hơn 24 triệu người sử dụng, chiếm 27,1% dân số, đứng hàng thứ 20 thế giới về tốc độ phát triển Internet. Nhưng Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề khác không hề đơn giản và cũng không thể giải quyết ngay một sớm một chiều.
Ý tưởng và mô hình của Groupon có thể copy vào Việt Nam, nhưng thành công thì không thể dễ dàng và nhanh chóng như vậy, bởi Groupon Việt Nam gặp phải những khó khăn lớn như
1. Thanh toán
Có thể nói vấn đề lớn nhất của Groupon Việt Nam là vấn đề thanh toán. Mặc dù Việt Nam hiện tại đã phát triển internet banking, đã có hệ thống cổng thanh toán trực tuyến /ví điện tử (chỉ tính riêng theo bản thân tìm hiểu biết được thì đã có đến trên dưới 10 cổng thanh toán trực tuyến khác nhau, tương đối tiêu biểu là nganluong, vinapay, onepay…) nhưng qua thống kê, chỉ có nhiều nhất khoảng 20% khách hàng thanh toán qua internet banking hoặc cổng thanh toán trực tuyến, phần đông còn lại vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí Groupon Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều.
Nếu như ở Mỹ và Trung Quốc, hầu hết người mua đều thanh toán qua mạng, sau khi bấm “Mua” và hoàn thành tất cả các thao tác, Groupon chỉ cần gửi tin nhắn hoặc email có chứa STT và mật khẩu cho người mua, khi người mua đi nhận sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ cần xuất trình tin nhắn hoặc email là ok. Và có thể nói giai đoạn này hầu như không phát sinh chi phí, hoặc nếu có thì cũng vô cùng ít. Nhưng ở Việt Nam, giai đoạn này là giai đoạn có chi phí vô cùng lớn. Vì hầu hết người mua thanh toán bằng tiền mặt, do đó sẽ phát sinh những chi phí sau:
- Chi phí chuyển phát nhanh (lớn nhất)
- Chi phí in phiếu khuyến mãi bao gồm: máy in phiếu khuyến mãi + máy ép plastic (nếu cẩn thận hơn) + giấy in phiếu + chi phí bảo trì , thêm mực cho các loai máy in phiếu + lương nhân công phụ trách làm và in phiếu + chi phí in bì đựng phiếu khuyến mãi
- Lương cho nhân viên chăm sóc khách hàng: sẽ cần nhiều nhân viên chăm sóc khách hàng hơn
- Chi phí điện thoại: Sẽ cần gọi điện xác nhận địa chỉ và thời gian khách hàng có thể nhận phiếu (nếu phục vụ chu đáo)
- Quay vòng vốn chậm
Khắc phục vấn đề này không thể làm ngay một sớm một chiều, cần phải có một thời gian để “giáo dục thị trường”, hướng dẫn người mua, khuyến khích người mua sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến. Biện pháp có thể áp dụng là các trang Groupon đưa ra các chương trình khuyến khích thanh toán trực tuyến, ví dụ như nếu thanh toán trực tuyến thì sẽ được giảm giá hoặc sẽ có lợi ích gì hơn so với thanh toán bằng tiền mặt
II. Tìm nhà cung cấp
Hầu hết các trang Groupon tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phải đi “vật nài” các nhà cung cấp đưa sản phẩm lên trang web của mình. Do đó nếu như Groupon của Mỹ các nhà cung cấp xếp hàng để được lên trang, và chi phí cho khâu này cũng gần như không có hoặc rất ít thì ở Việt Nam, chi phí cho khâu tìm nhà cung cấp cũng còn là cả một vấn đề, và sẽ nảy sinh các chi phí sau:
1, Chi phí quảng cáo, tuyên truyền (không hề ít)
2, Lương và thưởng cho nhân viên thị trườngHơn nữa, theo như tìm hiểu thì hiện tại hầu như các trang Groupon Việt Nam trong giai đoạn đầu không hề lấy chi phí quảng cáo cũng như chi phí % của nhà cung cấp, và tất cả các chi phí có liên quan đều do trang Groupon chịu, coi như “đầu tư cho tương lai”. Chỉ có một số ít trang web bắt đầu thu chi phí quảng cáo dịch vụ và hưởng chênh lệch % giảm giá!
III. Thu hút người mua
Có một thực tế là người Việt Nam vẫn không thật sự tin tưởng vào việc mua hàng trên mạng, đặc biệt là những kiểu siêu giảm giá thì lại thường hay “dè chừng”. Ngoài ra người Việt Nam còn có quan niệm “của rẻ là của ôi” nên đôi khi còn nghi ngờ khi giảm giá ở mức quá lớn!
Do đó trong quá trình thu hút người mua, thu hút thành viên quan tâm đến trang web, một số trang Groupon đã phải đầu tư khá lớn. Ví dụ một số trang, để tăng số lượng thành viên đã tổ chức một số chương trình bốc thăm trúng thưởng điện thoại, máy tính, xe… hoặc mời bạn tham gia đăng ký thành viên mua lần đầu sẽ được thưởng tiền ảo dùng để mua hàng trên trang web(tiền ảo thì cũng là tiền thật, vì khi thanh toán với nhà cung cấp, trang web vẫn phải thanh toán tiền thật). Do đó sẽ nảy sinh một số chi phí như : chi phí tổ chức hoạt động (phần thưởng+chi phí quảng cáo cho hoạt động+ các chi phí phụ gia khác) + chi phí maketing + lương cho nhân viên maketing + tiền ảo
IV. Quản lý chất lượng
Như đã nói ở trên, hoạt động mua theo nhóm tổ chức trên các trang Groupon chủ yếu hướng vào lĩnh vực dịch vụ, hơn nữa các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam không có tiêu chuẩn chính xác nào cho sản phẩm dịch vụ của mình, điều này dẫn đến khâu quản lý chất lượng dịch vụ cho khách hàng mua phiếu giảm giá trên trang các trang Groupon sẽ không được đảm bảo và cũng khó để quản lý việc cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp.
Một vấn đề lớn nữa đối với các trang Groupon là liệu những khách hàng tìm đến nhà cung cấp thông qua mua phiếu giảm giá trên các trang Groupon có phải là khách hàng trung thành? Câu trả lời có thể thấy rõ là khá ít! Vì vậy hiện tại đang có một số ý tưởng của việc kết hợp giữa hai mô hình Groupon và Foursquare, không biết có khả dụng và thành công không?
Luckystar