Bài này được tôi viết cách đây khá lâu theo yêu cầu của một người bạn để làm bài đăng trên báo Nhịp Cầu Doanh Nghiệp nhưng có lẽ là do chất lượng bài viết kém quá nên không được đăng. Thấy lâu quá không có phản hồi nên hôm nay vác lên blog chia sẻ với mọi người.
=========================================
Câu chuyện ba anh em nhà Samwer: Marc, Oliver và Alexander trở thành tỉ phú nhờ ý tưởng “ làm nhái” những website lớn của Mỹ như eBay, Groupon và thậm chí là Facebook đã trở thành một trong những ví dụ của việc ứng dụng thành công ý tưởng của người khác để kiếm tiền. Liệu những ý tưởng kinh doanh và cả website nổi tiếng thế giới có thể tạo nên thành công ở Việt Nam ?
Chúng ta không thiếu những sản phẩm học hỏi và sao chép từ nước ngoài như những sản phẩm groupon, mạng xã hội, đến các sản phẩm đi theo mô hình kinh doanh thương mại điện tử như Chợ Điện Tử, hay những mô hình Payment GateWay như Ngân Lượng, Bảo Kim… đều có những đặc điểm được học hỏi từ mô hình các website lớn của nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn chung rất ít website như vậy thành công thật sự ở Việt Nam mặc dù số tiền mà các nhà đầu tư đổ vào không hề nhỏ.
Phụ mục
Những rào cản vô hình
1. Tính bản địa không cao
Đa số các sản phẩm của Việt Nam học theo các mô hình nước ngoài thường không có tính bản địa hóa cao mà hầu như sao chép y khuôn website gốc. Một số website còn giữ nguyên cả cấu trúc, giao diện của website gốc mà không hề thay đổi bất kì nội dung nào. Bạn có thể thấy rõ điều này trong các website về groupon sao chép từ sản phẩm tương tự khá thành công ở thị trường Mỹ. Theo nhà đầu tư Sieng Tran, đây là một lý do khiến những nhà đầu tư ngại ngùng chi tiền cho các dự án mặc dù họ biết nó có khả năng thành công bởi mỗi thị trường đều có những đặc điểm riêng.
Văn hóa, tập quán và cả môi trường kinh doanh ở Việt Nam không giống Mỹ hoặc những nước khác trên thế giới nên việc bê nguyên si mô hình từ một nước nào đó sang áp dụng ở Việt Nam là rất khó khăn. Sự sụp đổ của hàng loạt website groupon thời gian qua là một ví dụ rõ ràng.
2. Tâm lý người mua chưa thực sự thông thoáng về việc mua hàng trên mạng
Mặc dù hiện nay hệ thống thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đã gần như hoàn thiện nhưng đa phần các website hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay đều gặp phải những rào cản cố định khiến cho chi phí kinh doanh tăng cao. Dưới đây là 2 nguyên nhân chính yếu:
- Người Việt Nam chưa có thói quen giao dịch trên Internet: nếu như việc giao dịch qua mạng là một hoạt động thường ngày ở một số nước có nền kinh tế phát triển là hoạt động thường ngày thì ở Việt Nam điều này là khá hạn chế. Lượng giao dịch qua các cổng thanh toán trực tuyến ở Việt Nam lại càng hạn chế hơn.
- Người dùng thích đối thoại trực tiếp giữa người bán và người mua hơn là làm việc thông qua một website. Sự đối thoại này đem đến niềm tin cho người dùng nhiều hơn qua phong cách và kĩ năng giao tiếp của nhân viên chăm sóc. Thêm vào đó, việc làm ăn gian dối, sự hời hợt, thiếu trách nhiệm với khách hàng trong qui trình làm việc của một số mô hình kinh doanh hiện nay vô hình trung đã kéo niềm tin của người dùng đi xuống trong con mắt người dùng.
Ở Việt Nam không thiếu những mô hình website sao chép ý tưởng từ nước ngoài thành công, sự lớn mạnh của Zing Me trong lĩnh vực mạng xã hội, sự tăng trưởng của các website thương mại điện tử uy tín như Hula, Tiki… là những ví dụ cho việc nắm bắt đúng thị trường và đối tượng khách hàng trên lĩnh vực hiện nay.
Nên chăng, các doanh nghiệp đã và đang học hỏi từ mô hình các website thành công ở nước ngoài nên tim hiểu kĩ hơn về thị phần, đối tượng khách hàng của mình, tìm kiếm và xây dựng một qui trình kinh doanh sao cho phù hợp với văn hóa, tập tính kinh doanh và điều kiện thực tế ở Việt Nam hơn nữa. Đặc biệt, tôi cho rằng một điều vô cùng quan trọng để có thể thành công trên môi trường internet ở Việt Nam đó là xây dựng niềm tin với khách hàng. Có làm được như vậy, bộ mặt trực tuyến ở Việt Nam mới có thể thay đổi về bản chất, người dùng sẽ cởi mở hơn với việc giao dịch qua internet và mở ra nhiều hơn nữa những cơ hội ứng dụng các sản phẩm thành công từ bên ngoài vào Việt Nam.