NHANWEB

Những sai lầm chết người của doanh nghiệp Việt khi làm TMĐT

Sau khi giải quyết 1 số công việc ở công ty tôi mới có thời gian ngồi viết lách một tí và chia sẻ với các bạn sau một khoảng thời gian dài im hơi lặng tiếng. Vốn dĩ trong năm qua tôi đặc biệt yêu thích đối với mảng Thương mại điện tử nên dành thời gian tìm hiểu và thâm nhập vào một vài công ty thương mại điện tử Việt Nam (nhỏ thôi) để tìm hiểu. Tôi cũng thích đi từ dưới đi lên chứ không thích xin vào các công ty hoành tránh đâm ra cái mình tìm hiểu, cái mình cần (kinh nghiệm làm TMĐT) không khéo lại chẳng có được.

Kinh doanh trực tuyến ở môi trường Việt Nam

Sau một năm, tôi cũng rút ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân mình. Tuy nhiên, bài này tôi không nói về những kinh nghiệm làm thương mại điện tử và muốn nói về những sai lầm chết người của các doanh nghiệp nhỏ khi làm thương mại điện tử ở Việt Nam.

Sai lầm 1: không hiểu thương mại điện tử là gì

Nghe có vẻ hơi điên, nhưng không phải là không có lý nhé các bạn. Thương mại điện tử khác rất nhiều so với hình thức kinh doanh truyền thống thông thường từ cách vận hành đến tập quán người mua.Bạn có một website, website bạn cũng có nút mua hàng nhưng chưa hẳn là bạn đang làm thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp mà tôi đã từng được tiếp xúc (chủ yếu là đề nghị thiết kế website) có cái nhìn và cách hiểu hơi ngô nghê về thương mại điện tử; kiểu như hiện nay anh đang kinh doanh truyền thống một mặt hàng ABC nào đó rất tốt, anh muốn làm một website bán hàng để tăng doanh số bán hàng và tăng mức độ nhận dạng thương hiệu, tuy nhiên nói về qui trình xử lý đơn hàng, phương pháp lưu kho và xử lý các sự cố khi giao dịch trực tuyến thì đều không có khái niệm về chuyện này.

Mặc dù tôi đã cố gắng giải thích và tư vấn rất nhiều nhưng xem bộ họ vẫn cần thời gian thử nghiệm, thất bại, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục chu trình đó một thời gian dài nữa.

Cho nên, trước khi quyết định làm thương mại điện tử tôi nghĩ các doanh nghiệp nhỏ nên tìm hiểu kĩ hơn về môi trường kinh doanh trực tuyến, các chính sách có liên quan đến thương mại điện tử, học hỏi các mô hình kinh doanh trực tuyến đã và đang có, đang vận hành tốt để xây dựng cho mình một qui trình, kiểm tra lại độ tương thích của chuỗi cung ứng hiện tại, trình độ công nghệ thông tin của nhân viên, các kiến thức về cơ sở hạ tầng CNTT… trước. Hoặc chí ít, trước khi bắt tay làm cũng phải có người có kinh nghiệm tư vấn để tránh hoặc hạn chế bớt những rủi ro không cần thiết, để đừng để sau khi thiết kế một website bán hàng xong thì không thể vận hành được website hiệu quả.

Sai lầm 2: Website thương mại điện tử… nửa vời

Làm thương mại điện tử không có nghĩa là có một website cho phép khách hàng đặt hàng và bạn nhận được đơn hàng thế là xong. Đó chỉ là phần nổi của một tảng băng lớn và phần chìm thì luôn luôn nhiều hơn. Cho nên, trước khi bắt tay làm website bạn đừng quá tin vào lời của người thiết kế website cho bạn. Có thể, anh ấy có kinh nghiệm thiết kế website nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm vận hành một website thương mại điện tử như thế nào để có lợi cho doanh nghiệp.

Thương mại điện tử Việt Nam không phải dễ làm như mọi người lầm tưởng

– Trong năm 2012, tôi có dịp chỉnh sửa một website của công ty X – một công ty có vẻ khá tốt trong vấn đề mua bán trực tuyến theo mô hình B2C (Bussiness to Consumer – mô hình doanh nghiệp bán hàng lẻ cho các khách hàng cá nhân). Mọi thứ có vẻ ổn với danh sách đơn hàng, form đặt hàng hoàn chỉnh và hệ thống nhân viên xử lý đơn hàng hàng ngày. Vấn đề bắt đầu khó khăn khi chủ doanh nghiệp muốn gửi SMS chăm sóc các khách hàng cũ của mình nhân dịp sinh nhật hoặc lọc và phân loại khách hàng thân thuộc, khách hàng vãng lai… Điều đó trở thành một việc làm bất khả thi do hệ thống lưu trữ thông tin khách hàng kém, lượng thông tin cần thì không đủ trong khi lượng thông tin rác thì … thừa.

– Trong một lần khác, tôi được tiếp xúc với một website của một công ty anh bạn (dĩ nhiên cũng kinh doanh trực tuyến). Cũng như trước, nhìn ở vẻ bề ngoài có vẻ ổn nhưng hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CRM) lại được xây dựng bởi 1 đơn vị độc lập và đơn hàng phải copy qua hệ thống quản lý đó. Sự không đồng nhất về mã đơn hàng (ID), mã khách hàng trên hệ thống website và hệ thống quản lý thông tin khách hàng dẫn đến vẫn đề trích xuất dữ liệu gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết. Không những vậy, tôi thử sử dụng công cu Google Search tìm kiếm 1 cách hết sức đơn giản đã có thể tìm kiếm được toàn bộ đơn hàng trong ngày, thông tin chi tiết của từng đơn hàng. Lý do đơn giản: không kiểm tra quyền truy cập thông tin – Google bắt được gói dữ liệu trong quá trình index. Thử tưởng tượng nếu liên kết đến trang danh sách đơn hàng trong ngày này lọt vào tay đối thủ cạnh tranh thì hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Cho nên, nếu đã quyết định làm thương mại điện tử, website của bạn cần phải được đầu tư chu đáo và đúng hướng. Nếu không hậu quả sẽ còn tệ hại hơn không làm thương mại điện tử rất nhiều.

Sai lầm 3: quá …chuyên nghiệp

Đối với các website thương mại điện tử lớn, sự chuyên nghiệp là một điều cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng đối với các doanh nghiệp mới bước chân vào lĩnh vực thương mại điện tử, sự chuyên nghiệp ở một khía cạnh nào đó lại đem lại nhiều bất lợi cho chính doanh nghiệp mình hơn là điều thuận lợi.

Bạn vừa mở một shop thời trang, danh tiếng chưa có, bạn nhờ một đơn vị thiết kế website cực kì chuyên nghiệp thiết kế một website thương mại điện tử để phục vụ người mua hàng trực tuyến của mình. Bằng kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, đơn vị thực hiện biết rằng thương mại điện tử phải đi liền với thanh toán trực tuyến, phải đi liền với xác thực đơn hàng qua email hoặc qua tin nhắn điện thoại, người dùng phải có thẻ thanh toán trực tuyến… Và kết quả là website của bạn sau khi chi một số tiền lớn sẽ sánh ngang tầm với các ông lớn Việt Nam.

Yeah! Kết quả là không có một đơn hàng nào mặc dù bạn đã chi rất nhiều tiền.

Sai lầm nằm ở chỗ thương hiệu của bạn không cân xứng với sự chuyên nghiệp của bạn. Tập quán mua bán ở Việt Nam vẫn dựa vào niềm tin và chủ yếu. Nếu như bạn chưa xây dựng được niềm tin đủ lớn với khách hàng, đừng bắt họ trả tiền trước khi giao hàng, đừng bắt họ phải nhận email và xác nhận đơn hàng qua email hoặc tin nhắn vì trình độ sử dụng CNTT của người Việt Nam vẫn còn thấp lắm và chưa được phổ cập đâu. Thay vi như vậy, bạn hãy từng bước xây dựng niềm tin với khách hàng bằng chất lượng dịch vụ, bằng giao diện thân thiện đậm chất “ta”, bằng sự hỗ trợ tuyệt vời của đội ngũ nhân viên và những cam kết vàng như thu tiền tận nhà sau khi nhận hàng…

Cho nên, không phải cái gì mới, đẹp, là công nghệ cũng là tốt. Có thể tốt đối với bạn nhưng không tốt đối với khách hàng của bạn. Công nghệ, sự chuyên nghiệp chỉ có thể được người dùng đánh giá và xác nhận bởi chính người dùng. Khi bạn chưa phải là ngồi sao trên bầu trời, bạn phải chạy theo người dùng. Đến khi bạn đã là ngôi sao, người dùng sẽ chạy theo bạn..

Vài điều tôi góp nhặt được bằng kinh nghiệm của mình chia sẻ cùng bạn đọc…

Exit mobile version